VNG kiện TikTok đòi bồi thường và những vấn đề ông Lê Hồng Minh phải đối mặt
VNG kiện TikTok đòi bồi thường hơn 220 tỷ đồng và những vấn đề ông Lê Hồng Minh phải đối mặt
Nhật Minh
Thứ tư, ngày 26/08/2020 12:55 PM (GMT+7)
VNG kiện TikTok đòi bồi thường hơn 221 tỷ đồng liên quan đến vi phạm bản quyền. Đây là một khoản bồi thường có lẽ là lớn nhất từ trước tới nay trong các vụ kiện dân sự về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Tham gia vụ kiện này, có nhiều vấn đề VNG của ông Lê Hồng Minh sẽ phải đối mặt
Theo nguồn tin của Reuters, VNG - "kỳ lân" tỷ USD của ông Lê Hồng Minh cáo buộc TikTok , một công ty Trung Quốc sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing - một công ty con của VNG, mà không có sự đồng ý của công ty. Đơn kiện được VNG nộp lên Tòa án nhân dân TP.HCM với mục đích yêu cầu TikTok đền bù thiệt hại, đồng thời ngừng sử dụng nhạc của Zing.
Cụ thể, VNG cáo buộc có hơn 11 triệu video trên TikTok có chứa các đoạn nhạc được cắt từ Zing. Ngoài ra, 150 bản ghi Zing bị TikTok sử dụng trái phép để đưa vào các video lan truyền trên phạm vi toàn thế giới. VNG yêu cầu TikTok ngừng vi phạm và bồi thường số tiền hơn 221,5 tỷ đồng.
Trước khi vụ VNG kiện TikTok được công bố thông tin, ứng dụng video ngắn này cũng đang đối mặt với lệnh cấm của Tổng thống Trump tại thị trường Mỹ.
Nhìn nhận về vụ việc này, Luật sư Bùi Quốc Tuấn – đoàn luật sư TP.HCM cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ 2019 (hợp nhất), có quy định tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.
Hành vi "sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật" là hành vi vi phạm quyền tác giả.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả cụ thể như: Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Mạo danh tác giả. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm a, đ và i khoản 1 Điều 25 của Luật Luật Sở hữu trú tuệ năm 2019. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này...
Qua phân tích trên, VNG có quyền khởi kiện các Doanh nghiệp, cụ thể là công ty Trung Quốc nếu doanh nghiệp sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của VNG (công ty con), mà không có sự đồng ý VNG. Tuy nhiên, vị luật sư này cũng nhấn mạnh, để có thể thắng kiện, phía VNG đương nhiên phải đưa ra được chứng cứ pháp lý để chứng minh được các điểm mấu chốt như các vi phạm kể trên của TikTok.
Liên quan đến con số bồi thường lên tới 221 tỷ đồng (khoảng 9,5 triệu USD), trước quan điểm cho rằng, việc tòa án chấp nhận thụ lý cũng mới chỉ là bước đầu của vụ kiện mà VNG đã đòi TikTok khoản bồi thường lên đến hơn 221,5 tỷ đồng - con số bồi thường có lẽ là lớn nhất từ trước tới nay trong các vụ kiện dân sự về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa các cá nhân với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp tại Việt Nam, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - đó là quyền của VNG mà luật cho phép nếu như VNG đưa ra được những căn cứ xác định được mức thiệt hại tương ứng với con số VNG đòi bồi thường.
Ông Tuấn phân tích, trong trường hợp nguyên đơn (VNG) chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây: Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn (TikTok) đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất; Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện; Thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư...
Như vậy, mấu chốt vấn đề hiện nay là VNG phải chứng minh được TikTok có xâm phạm và sự vi phạm đó là đối với bản quyền sở hữu trí tuệ (bản ghi âm) của VNG. TikTok có hưởng lợi từ việc xâm phạm bản quyền cũng như thiệt hại của VNG từ sự việc kể trên.
Ngoài ra, việc Hội Âm nhạc Việt Nam cáo buộc "TikTok đã đưa ra một mô hình kinh doanh rất phức tạp để tránh tuân thủ bản quyền tại Việt Nam? ông Tuấn cho rằng, đó cũng là một phần căn cứ cho việc chứng minh của VNG.
Được biết, trước khi đi kiện TikTok, VNG và Zing từng là bị đơn của một loạt vụ kiện khác cũng liên quan đến bản quyền, với khoản yêu cầu bồi thường cao nhất lên tới 450 triệu USD.
Theo đó, đầu năm 2014, Tuổi trẻ đưa tin, Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn thông báo đã khởi kiện Tập đoàn VNG - đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực truyến Zing Mp3 - ra tòa án Mỹ do vi phạm bản quyền của trung tâm. Cũng trong năm 2014, Zing MP3 bị khởi kiện vì vi phạm bản quyền nhạc Hàn Quốc.
Bên cạnh các vụ kiện từ doanh nghiệp, Zing cũng đối mặt với một số vụ kiện từ các nghệ sỹ trong nước như cố nhạc sỹ Trần Lập (cuối năm 2014), Duy Mạnh (cuối năm 2018 và 2019).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.