Vụ nổ súng ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng: Có dấu hiệu hình sự tội danh nào?

PV Thứ sáu, ngày 16/12/2022 14:29 PM (GMT+7)
Vụ việc bảo vệ tàu hút cát chĩa súng bắn thẳng vào người dân xảy ra tại khu vực bãi ngao huyện Kiến Thụy, Hải Phòng ngày 14/12 vừa qua đã gây bức xúc dư luận. Tuy may mắn chưa xảy ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng để lại hậu quả hết sức phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Bình luận 0

Về vụ việc nổ súng ở Kiến Thụy vào chiều qua (15/12), chính quyền địa phương đã phát đi thông báo cho rằng tàu HP4159 của Công ty Thương mại Vận tải Hoàng Phương đang khai thác cát trong phạm vi mỏ cát của Công ty CP Đầu tư TM&DV Đông Kinh đã được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép, nhưng những người dân vẫn cố tình đưa phương tiện của mình áp sát tàu HP4159. Một số người có ý định nhảy sang tàu HP4159 nên bảo vệ tàu đã bắn một phát chỉ thiên để cảnh cáo. 

Vụ nổ súng ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng: Có dấu hiệu hình sự tội danh nào? - Ảnh 1.

Một nhân vên trên tàu HP4159 chĩa súng về phía người dân. Ảnh cắt từ clip.

Tuy nhiên, những người trực tiếp có mặt trên tàu KT17 cho rằng, họ không hề có ý định lên tàu HP4159. "Tôi chỉ nói với anh em trên tàu HP4159 dừng việc hút cát và yêu cầu tàu hút cát đi ra ngoài vì bãi ngao của gia đình tôi chưa thu hoạch hết. Tôi còn nói, cứ để gia đình tôi thu hoạch xong ngao rồi tính nhưng họ không nghe, vẫn tiếp tục hút cát. Lúc đó, tôi cho tàu ép sát vào hông tàu HP4159 thì một người rút súng ra, lăm lăm chĩa thẳng vào tôi rồi bắn. Tuy nhiên, người đứng cạnh gạt tay nên đạn không trúng vào người tôi. Anh này giơ súng bắn ngang về phía tôi, chứ không phải chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên"- ông Bùi Văn Tuyền một nhân chứng trên tàu KT17 kể lại. 

Clip rút súng bắn về phía người dân. Clip do nhân chứng cung cấp.

Lời kể của ông Bùi Văn Tuyền và hình ảnh trong video-clip ghi tại hiện trường cũng cho thấy, người dân không có hành vi nào uy hiếp hay nhảy lên tàu hút cát. Đặc biệt, hình ảnh trong clip cho thấy rất rõ, nhân viên bảo vệ trên tàu HP4159 đã dùng súng chĩa thẳng về phía những người dân trên tàu KT17 chứ không có động tác nào chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên như thông tin mà chính quyền địa phương báo cáo. 

Về khẩu súng được nhân viên bảo vệ tàu HP4159 sử dụng tại hiện trường là vũ khí quân dụng hay công cụ hỗ trợ như báo cáo của cơ quan chức năng cũng đang được dư luận hết sức quan tâm, cần được cơ quan điều tra làm rõ. 

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Hồng Sơn- Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, trong trường hợp khẩu súng mà nhân viên bảo vệ trên tàu HP4159 sử dụng là công cụ hỗ trợ thì hành vi chĩa súng bắn thẳng vào người dân như hình ảnh được ghi nhận trong video-clip có dấu hiệu sử dụng công cụ hỗ trợ sai mục đích, sai đối tượng bảo vệ. 

Bởi lẽ, theo luật sư Phạm Hồng Sơn, Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định rõ người được giao công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng trong các trường hợp cụ thể  khi ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Đặc biệt, chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo...

Trong trường hợp này, hình ảnh cho thấy những người dân trên tàu KT17 không có biểu hiện tấn công, không có hành vi chống đối, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của những người trên tàu HP4159. 

Vụ nổ súng ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng: Có dấu hiệu hình sự tội danh nào? - Ảnh 3.

Hai nhân viên được xác định là bảo vệ của tàu HP4159. Ảnh cắt từ clip.

Về việc xử lý đối với hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ sai mục đích, sai đối tượng bảo vệ (nếu có), luật sư Phạm Hồng Sơn cho biết, tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021, hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ" theo điều 306 Bộ Luật Hình sự. 

Như Dân Việt đã đưa tin, vào 7 giờ12 phút sáng 14/12, các ông bà Bùi Văn Tuyền, Nguyễn Thị Yến, Vũ Văn Thiện, Nguyễn Thị Lanh, Đỗ Văn Trường, Lê Tuyết Nhung, Bùi Quốc Huynh (đều công dân trú tại xã Minh Tân, Đại Hợp, Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng)... là những người dân nuôi ngao đang di chuyển trên tàu KT17 trong khu vực bãi nuôi ngao của gia đình ông Bùi Văn Tuyền. Phát hiện thấy tàu mang số hiệu HP4159 đang hút cát ảnh hưởng tới tài sản của gia đình, những người dân trên cho tàu KT17 tiến lại gần chiếc tàu lạ để yêu cầu những người trên tàu dừng việc hút cát và đưa tàu ra khỏi khu vực bãi ngao.

Theo hình ảnh được ghi lại trong clip, tại thời điểm tàu KT17 tiến sát tàu HP4159, 2 nhân viên trên tàu HP4159 đứng trên mạn tàu tỏ thái độ căng thẳng. Sau đó, 1 nhân viên trên tàu HP4159 đã rút súng bắn về phía người dân trên tàu K17. Rất may, người đứng bên cạnh đã gạt tay nên đạn đã không trúng vào người dân trên tàu K17.

Vụ việc xảy ra đã gây bức xúc dư luận, để lại hậu quả hết sức phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn nói trên xuất phát từ việc cơ quan chức năng cấp phép khai thác cát cho một số doanh nghiệp chồng lấn vào diện tích nuôi ngao của người dân địa phương đã tiến hành nuôi thả từ hàng chục năm trước. Mặc dù vậy, người dân lại không được hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng theo các quy định của Luật Đất đai nên chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, người nuôi ngao trên địa bàn huyện Kiến Thụy vẫn đang khiếu nại các quyết định hành chính cưỡng chế phá dỡ các chòi nuôi ngao của chính quyền địa phương và gửi đơn kêu cứu khắp nơi, đề nghị thành phố Hải Phòng cho phép họ được tiếp tục nuôi thả ngao, được cấp phép nuôi trồng thủy sản  hợp pháp, đóng góp nghĩa vụ tài chính đầy đủ cho Nhà nước. Mặt khác, trên các bãi ngao hiện nay còn tồn rất lớn lượng ngao đã thả chưa thu hoạch xong. Do đó, việc các phương tiện vào các bãi nuôi trồng thủy sản hút cát sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người dân. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Văn Tuyền cho biết, riêng trong phần diện tích bãi ngao của gia đình ông hiện nay còn khoảng 1.000 tấn ngao chưa thu hoạch. "Việc các phương tiện tự ý vào các bãi nuôi trồng thủy sản hút cát sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của gia đình tôi, nay họ lại sử dụng vũ khí nhắm vào tôi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật"- ông Tuyền bức xúc nói.

Trước đó, tại thông báo số 616/TB-UBND ngày 13/10/2022 của UBND TP.Hải Phòng (tức 1 ngày trước cưỡng chế bãi ngao), UBND TP.Hải Phòng khẳng định tiếp tục cho các hộ dân thu hoạch ngao và chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng chịu trách nhiệm trước UBND TP.Hải Phòng trong trường hợp để các đối tượng không liên quan vào khu vực (đã cưỡng chế) để thu hoạch ngao của các hộ nêu trên.

Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ số 14/2017 quy định về việc sử dụng công cụ hỗ trợ như sau:
Điều 61. Sử dụng công cụ hỗ trợ
1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này và được sử dụng trong trường hợp sau đây:
a) Trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này;
b) Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
c) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy;
đ) Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
2. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem