Vừa khởi tố vụ phá rừng phòng hộ cũ, tiếp tục phát hiện vụ phá rừng mới tại huyện miền núi Bình Định
Vừa khởi tố vụ phá rừng phòng hộ cũ, lại phát hiện vụ phá rừng mới tại huyện miền núi ở Bình Định
Dũ Tuấn
Thứ tư, ngày 15/05/2024 07:38 AM (GMT+7)
Vụ phá 165 gốc sao đen "chục năm tuổi", nằm gần chốt bảo vệ rừng tại xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) vừa bị khởi tố cách đây không lâu, thì lại phát hiện một vụ phá rừng phòng hộ khác, xảy ra tại xã Vĩnh Kim.
Diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá 2 vụ việc trên, đều thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, điều này dấy lên nghi ngờ về khả năng giữ rừng của các cơ quan có trách nhiệm.
Ngày 15/5, trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đã nắm được thông tin về vụ phá rừng phòng hộ, xảy ra tại thôn O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh.
"Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu kiểm lâm có báo cáo cụ thể về diện tích, người vi phạm, cũng như mức độ thiệt hại về vụ việc phá rừng này", ông Trần Văn Phúc nói.
Theo ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, vị trí rừng bị cưa hạ trái phép xảy ra tại khoảnh 6, tiểu khu 89 thuộc thôn O2, xã Vĩnh Kim, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý.
Khu vực rừng phòng hộ bị tàn phá, thiệt hại có diện tích hơn 5.100m2, trạng thái rừng hỗn giao.
"Tuy nhiên, đây chỉ mới là báo cáo kiểm tra ban đầu, chúng tôi vẫn đang làm việc với các đối tượng có liên quan và xác định cụ thể diện tích rừng, bị tàn phá. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, UBND xã Vĩnh Kim để xác lập hồ sơ, xử lý theo quy định", ông Đặng Bá Quang cho hay.
Theo ông Trần Phước Phi - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, bước đầu đã xác định được 7 đối tượng vi phạm.
Diện tích vi phạm trước đây là nương rẫy cũ của bà con thôn O2, xã Vĩnh Kim nhưng không sản xuất, nay đã phục hồi thành rừng và được quy hoạch bảo vệ, thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh.
"Sau khi sự việc xảy ra, Đoàn công tác của huyện vừa tiến hành tuyên truyền, đến người dân ở thôn O2", ông Trần Phước Phi thông tin.
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm, đối với vụ việc để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ trên địa bàn.
Cách đây không lâu, cuối tháng 3, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) đã có quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng, chuyển hồ sơ sang Công an huyện để tiếp tục điều tra, xử lý vụ phá rừng phòng hộ ở tiểu khu 169, thuộc xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh).
Đây là vụ phá rừng phòng hộ, với 165 gốc sao đen cả "chục năm tuổi" ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, mà báo Dân Việt đã phản ánh.
Tổng diện tích rừng bị thiệt hại trong vụ án là 1,07ha đang giữ chức năng phòng hộ tại khoảnh 4, tiểu khu 196 (xã Vĩnh Hảo). Trữ lượng gỗ bị khai thác 37m3, với chủng loại sao đen, keo tràm thuộc rừng trồng phòng hộ lâu năm.
Bước đầu, đơn vị chức năng đã xác định ông Đ.Ư (ở làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) trực tiếp tham gia phá rừng.
Ông Đ.Ư trước đó khai nhận hành vi trên và cho biết mục đích phá rừng để lấy đất trồng rừng sản xuất.
Đây là rừng trồng hơn 15 năm tuổi, thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, tại gần khu vực phá rừng có chốt bảo vệ rừng, nhưng do diện tích quản lý rộng nên nhân viên trực chốt không nghe được tiếng cưa.
Để phá rừng phòng hộ, lãnh đạo UBND huyện này cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện).
Cuối năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đã có quyết định về việc kỷ luật đối với ông Trần Phước Phi - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, bằng hình thức khiển trách.
Ông Phi bị kỷ luật vì đã có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về phát triển rừng và sử dụng rừng, sau khi Sở NNPTNT tỉnh Bình Định có kết luận thanh tra.
Chưa hết, sau khi Kiểm toán Nhà nước có kết luận, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, trong việc chưa thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng khoán cho các hộ dân qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử theo quy định của Bộ NNPTNT.
Ngoài ra, Ban này phải làm rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành về công tác tổ chức kế toán tại đơn vị để xảy ra các tồn tại, sai sót…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.