Xã Chiềng Ban (Sơn La): Chọn hướng đi là phát triển sản xuất

Thứ ba, ngày 05/06/2012 14:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Chúng tôi góp 100.000 đồng/hộ, cán bộ xã góp 1 ngày lương để xây dựng Quỹ Nông thôn mới (NTM)" - ông Hoàng Văn Tom - Chi hội trưởng Chi hội ND bản Pát, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) nói về cách làm NTM của xã.
Bình luận 0

Mới đạt 5 tiêu chí

Chiềng Ban là xã miền núi, thuộc vùng I của huyện Mai Sơn, sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chính. Cả xã có tới 80% dân số là bà con dân tộc Thái, trong tổng số hơn 1.400 hộ dân cư toàn xã. Tiếng là thuận lợi về giao thông, vì có Quốc lộ 4G chạy qua địa bàn, nhưng Chiềng Ban lại là vùng đất khan hiếm nước, nên cả xã chỉ có gần 90ha lúa ruộng, còn lại là đất nương, vườn.

img
Người dân Chiềng Ban đang giàu lên nhờ cây cà phê.

Cũng bởi những khó khăn đó mà đói nghèo cứ đeo đẳng mãi với người dân ở 26 bản trong xã. Câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” để người nông dân Chiềng Ban có thể sớm thoát nghèo một cách bền vững từng nhiều lần được huyện Mai Sơn đưa lên bàn “nghị sự", nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng.

Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban Hà Kim Trọng cho biết: “Dù rất cố gắng xoá đói nghèo, lạc hậu nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM, Chiềng Ban mới chỉ đạt được 5/19 tiêu chí. Hiện nay, Chiềng Ban là 1 trong 6 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của huyện Mai Sơn. So với các xã khác, số tiêu chí mà Chiềng Ban đạt được vẫn còn cao”. Khó khăn lớn nhất của Chiềng Ban hiện nay là hệ thống đường giao thông nông thôn, cứng hoá kênh mương, giáo dục-đào tạo đều chưa đạt chuẩn.

Xây dựng “thế trận” nông nghiệp toàn diện

"Được lựa chọn là xã điểm trong xây dựng NTM huyện là một vinh dự nhưng cũng là thách thức với chúng tôi"- ông Phạm Khánh - Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban chia sẻ. Để tháo gỡ những "thách thức" ấy, huyện Mai Sơn, xã Chiềng Ban đã thực hiện hàng chục cuộc họp giữa cán bộ với cán bộ, cán bộ với dân, vừa nắm tình hình thực trạng, vừa bàn giải pháp tháo gỡ, xây dựng phương án ngắn hạn, dài hạn…

Theo ông Khánh, thực tế nông thôn vùng cao đã cho thấy, khi xây dựng NTM thì cái khó khăn nhất vẫn là huy động sức dân đóng góp. Điều ấy cũng thật dễ hiểu bởi thu nhập của người nông dân còn rất thấp và quá nhiều khó khăn có thể đến với họ trong sản xuất: Nắng hạn, mưa lũ, dịch bệnh…

Ông Lê Hồng Minh- Bí thư Huyện uỷ huyện Mai Sơn cho biết: “Mai Sơn đang tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện đã xác định không nôn nóng, không chạy theo thành tích nhưng cũng phải bứt phá, vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.

Ông Khánh cho biết: “Giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ những khó khăn đó chính là đẩy mạnh sản xuất nông-lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân”. Với giải pháp đó, Chiềng Ban đã xây dựng được “thế trận” nông nghiệp khá toàn diện với nhiều loại cây, con giống như lúa, ngô, đậu tương, cây ăn quả, rau xanh các loại; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm hàng hoá. Đặc biệt, xã đã có gần 1.000ha cà phê; trong đó có 900ha đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2011 trên 9.000 tấn. Từ những nguồn thu đó, nhiều hộ gia đình đã đạt mức thu nhập hàng năm từ 100- 400 triệu đồng.

Bên nương cà phê đã cho thu hoạch hơn 10 vụ quả, anh Lèo Văn Hinh - nông dân bản Tong Chinh cho biết: “Bây giờ xây dựng NTM, sẽ có nhiều khoản cần đóng góp từ người dân. Nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ vì đã hiểu được vấn đề: Làm NTM trước hết là làm cho mình, lấy cái đường mình đi, lấy cái mương tưới nước cho ruộng của mình, lấy nước mình sinh hoạt, giúp mình xoá nghèo làm giàu bền vững…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem