Xử lý sao khi gặp trường hợp không uống rượu bia thổi vẫn lên nồng độ cồn
Xử lý sao khi gặp trường hợp không uống rượu bia thổi vẫn lên nồng độ cồn
Quang Minh
Thứ sáu, ngày 22/12/2023 12:02 PM (GMT+7)
Theo luật sư, sau khi tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại các cơ sở ý tế đủ điều kiện, nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có nồng độ cồn thì lái xe sẽ không bị lập biên bản vi phạm.
Thu Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hỏi: Tôi vẫn thấy một số lái xe thắc mắc trường hợp họ không uống rượu bia nhưng thổi vẫn lên nồng độ cồn. Vậy với trường hợp này, lái xe cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trả lời:
Luật sư Tạ Phương, Văn phòng luật sư Trung Hòa thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, nếu đúng là lái xe không uống rượu, bia mà kết quả vẫn báo là vi phạm nồng độ cồn thì người dân có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác.
Căn cứ Điều 3 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu như sau:
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Như vậy, theo luật sư Tạ Phương, sau khi tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại các cơ sở ý tế đủ điều kiện, nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có nồng độ cồn thì lái xe không bị lập biên bản vi phạm.
Về việc thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BCA có quy định: người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.