Ông Nguyễn Hữu Linh trong một lần đến tòa nhận quyết định. (Ảnh: IT)
Liên quan đến phiên tòa xử kín ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng phạm tội Dâm ô với người dưới 16 (dự kiến xử 25/6), có luồng ý kiến nghi ngại cho rằng khi tiến hành xử kín sẽ không đảm bảo tính răn đe, thậm chí có có ý kiến còn băn khoăn về sự khách quan của phiên tòa.
Trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho biết: Trong Bộ luật tố tụng hình sự có quy định: Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
“Trong trường hợp xử ông Nguyễn Hữu Linh, tòa án tiến hành xử kín là để bảo vệ quyền lợi cho cháu bé (bị hại trong vụ án) cũng như gia đình cháu, tránh cho cháu bé và gia đình bị áp lực tâm lý, bí mật đời tư cũng như đảm bảo tương lai cháu sau này. Trong trường hợp này tòa tiến hành xử kín là hoàn toàn đúng pháp luật”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nói.
Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh xâm hại cháu bé khiến dư luận bức xúc. (Ảnh: IT)
Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, còn vấn đề xét xử có khách quan hay không, có đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội hay không là ở bản án tòa tuyên thế nào chứ không phải xử công khai mới đảm bảo được các yếu tố đó.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ kể lại một vụ án cách đây hơn 20 năm (vào dịp diễn ra vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới -World Cup 1998), có đối tượng là quân nhân xâm hại cháu bé. Khi các phóng viên báo chí đến để tìm hiểu vụ án, bác sĩ Tôn Thất Bách (1946 -2004) đã đứng ra nói: Vì quyền lợi và tương lai của cháu bé xin các anh (chị) phóng viên đừng đưa tên cháu bé lên báo nữa, hiện cháu chưa nhận thức được. Báo hình, báo nói, báo in thì 10 -15 năm và lâu hơn nữa vẫn lưu lại, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của cháu. Từ câu chuyện này, Thiếu tướng Bộ nhấn mạnh việc tòa xử kín vụ ông Nguyễn Hữu Linh là rất đúng.
Đồng quan điểm với Thiếu tướng Bộ, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc tòa tiến hành xử kín vụ án ông Nguyễn Hữu Linh là phù hợp và cần phải như vậy.
“Trong trường hợp này tòa làm như vậy là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bị hại chứ không phải bảo vệ bị cáo. Việc xử kín sẽ giúp cho bị hại không trở thành bị hại một lần nữa. Nghĩa là nếu xử công khai thì việc nhắc đến tên, tuổi, chỗ ở, hành vi của bị cáo với bị hại như thế nào trước nhiều người tham dự, trước báo chí, dư luận thì hóa ra bị hại lại trở thành bị hại một lần nữa”, luật sư Nam khẳng định.
Vị luật sư này phân tích thêm, khi tòa xử buộc phải nhắc đến tên, tuổi, địa chỉ của bị hại, xét hỏi hành vi của bị cáo thực hiện thế nào với bị hại…điều đó lại diễn ra công khai đông người sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, chỗ ở, tâm lý, việc học hành, rồi tương lai của cháu bé (bị hại).
Vẫn theo luật sư Nam, trong trường hợp bị hại (cháu bé và người giám hộ) xin xét xử vắng mặt, nghĩa là họ không có mặt tại tòa nhưng khi xử những vấn đề liên quan đến nhân thân, địa chỉ…vẫn được nêu ra, nên trong trường hợp này việc tòa xử kín là đúng, việc làm này mục đích là để bảo vệ bị hại.
Ông Nguyễn Hữu Linh bị truy tố theo khoản 1 điều 146 Bộ luật hình sự tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi. Khoản 1 điều 146 quy định như sau: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.