20 năm loay hoay cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Bình Nguyên (Ảnh: Viết Niệm) Thứ năm, ngày 17/03/2022 07:48 AM (GMT+7)
Bên trong những chung cư cũ ở Hà Nội đã được dán thông báo "nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp" vẫn là hàng trăm hộ gia đình sinh sống, chờ đến ngày được di dời hoặc chung cư được cải tạo.
Bình luận 0

LTS: Gần 250.000 người dân Thủ đô đang sống trong 1.579 căn hộ xuống cấp thuộc các chung cư cũ ở Hà Nội. Vấn đề cải tạo chung cư, tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Song đến nay, mới chỉ có 19 tập thể cũ được cải tạo; 14 đang triển khai.

Năm 2022, thành phố Hà Nội khởi động lại đề án này, bắt đầu với những chung cư cũ cấp độ D - nguy hiểm. Báo điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài viết về "20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội", với mong muốn mang đến cho độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguyện vọng của người dân, những vướng mắc thực tế và những giải pháp của các cấp chính quyền thành phố, người dân trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.

 Bài 1: Ngóng chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ, dân cam kết chịu mọi rủi ro

Chúng tôi đến chung cư cũ C8 Giảng Võ khi UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Từ 9 năm trước, chung cư C8 Giảng Võ đã được xếp vào cấp độ Nguy hiểm, cần di dân khẩn cấp!

Cuộc sống trong "hộp bê tông" nguy hiểm cấp độ D

Chiều giữa tháng 3, ông Nguyễn Văn Thu (58 tuổi, tầng 3 tập thể C8 Giảng Võ), bồn chồn đi xuống đọc bảng tin, rồi lại qua nhà tổ trưởng dân phố hỏi thăm.

Vẫn chưa có thông tin gì mới, ngoài tờ thông báo của phường Giảng Võ yêu cầu "khẩn trương di dời người và tài sản ra khỏi đơn nguyên 3 (nguy hiểm cấp độ D)", dán từ ngày 17/2/2022.

"Tôi sẽ không chuyển đi khi chưa nhận được câu trả lời rõ ràng về thời gian xây dựng lại khu tập thể", ông Thu quả quyết rằng 18 hộ dân ở đây cũng sẽ ở lại giống như ông. 

C8 Giảng Võ là một chung cư cũ điển hình ở Hà Nội, được báo chí, dư luận quan tâm đến mức các hộ dân nơi đây cử hẳn người cung cấp thông tin và trả lời các nhà báo. 

20 năm loay hoay cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thu cùng gia đình vẫn đang sinh sống trong căn nhà có tuổi còn lớn hơn cả tuổi của các con ông, được xếp vào mức độ nguy hiểm. Ảnh: Viết Niệm.

Hôm 20/2, họ vừa tiếp tục soạn đơn kiến nghị gửi chính quyền với mong muốn được tiếp tục ở lại, ổn định cuộc sống cho tới khi thành phố chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo khu tập thể, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Lá đơn gửi UBND phường nêu: Khu tập thể C8 Giảng Võ xây dựng từ năm 1970, nhiều khoảng tường, dầm trần nứt hở. Lối lên cầu thang chằng chịt khung sắt chống đỡ. 

9 năm trước, khu nhà này  bị đánh giá nguy hiểm, cần di dân khẩn cấp. 

Một nửa số dân đã di dời để lại các căn hộ bỏ hoang, bên trong toàn rác, chuột và gián. 18 hộ vẫn bám trụ lại và gia đình ông Thu là một trong số đó.

Ông Thu chuyển đến căn hộ 30m2 này từ năm 1983, hiện đây là nơi sinh sống của 7 người. Khu nhà bếp, máy giặt đặt ngay cửa ra vào đủ khoảng trống cho một người đứng. 

Ngoài hai phòng ngủ rộng chừng 10m2, không gian sinh hoạt chính của gia đình là phòng khách rộng 8m2, đặt bàn thờ, bàn học, tivi, chỉ chừa một khoảng giữa trải chiếu ăn uống.

Ông Thu nói lý do không muốn dời đi vì chuyển đến nơi tạm cư cách cả chục cây số, con cháu học tập, đi làm xa, lĩnh lương hưu, khám chữa bệnh đúng tuyến... sẽ phát sinh nhiều chi phí. Thuê nhà ở gần, với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng không thể đủ.

"Nhà chật chội, xuống cấp, mỗi mùa mưa bão hay thậm chí động đất, tôi cũng lo chứ. Khi mẹ tôi còn sống, bà cũng muốn chuyển đi với hy vọng vài năm sẽ quay về cùng con cháu sống trong căn nhà khang trang, to đẹp hơn. 

Nếu tôi nghe mẹ đi thuê nhà và chờ đợi, không biết ngày cuối đời đặt bà nằm ở đâu. 10 năm hay 15 năm nữa, ai dám chắc nhà đã xây xong", ông Thu nói rồi nhìn lên di ảnh của mẹ ông. Bà mất vào cuối năm ngoái.

Lộ trình quá dài, dân cam kết chịu mọi rủi ro ... chờ chủ đầu tư!

Là một trong những hộ đầu tiên đăng ký di dời từ năm 2016, chị Nguyễn Thị Ngân (46 tuổi, bán trà đá) nhận căn hộ tạm cư ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Chuyển về nơi ở mới, chị không tìm được mở quán trà đá, mỗi ngày phải chở hai con quay về khu Giảng Võ đi học với quãng đường 5km ùn tắc. 

Sau 6 tháng, chị phải quay về khu C8 thuê nhà, dựng lại quán trà đá ở ngay cửa căn hộ cũ của mình, đã quây tôn kín mít. Căn hộ tạm cư không cho thuê được, chị để cho em gái ở nhờ.

"Từ chỗ có nhà sổ đỏ, gia đình tôi phải chật vật đi lo tiền thuê nhà hàng tháng. Lẽ ra tôi không nên vội vàng chuyển đi", chị Ngân nói.

20 năm loay hoay cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội - Ảnh 3.

Cầu thang đơn nguyên 3 tập thể C8 Giảng Võ chằng chịt khung thép gia cố. Ảnh: Viết Niệm.

Cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn đợt một. Thành phố sẽ phá dỡ để xây dựng lại 4 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, gồm nhà C8 (khu tập thể Giảng Võ), G6A (tập thể Thành Công), nhà A (tập thể Ngọc Khánh), khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi). Quận Ba Đình phải hoàn tất di dời các hộ dân trong quý I/2022.

Theo kế hoạch này, đến quý I/2023, thành phố lựa chọn chủ đầu tư, cuối năm 2023 bắt đầu phá dỡ khu tập thể cấp độ D.

"Lộ trình đề ra quá dài, chưa có gì cụ thể về thời gian hoàn thiện. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục ở lại và cam kết chịu toàn bộ rủi ro, khi thành phố chọn được chủ đầu tư, chúng tôi sẽ di dời ngay", ông Nguyễn Viết Nhâm, đại diện cư dân C8 khẳng định.

20 năm loay hoay cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội - Ảnh 4.

Khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) được xây từ những năm 1960. Ảnh: Bình Nguyên.

Cách tập thể C8 Giảng Võ 6km, khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) được xây dựng từ những năm 1960, mái trần bằng vôi, cốt gỗ sụt từng mảng lớn. 

Tường khu tập thể bong tróc trơ cốt gạch, vẫn phải gánh đỡ hàng chục "chuồng cọp" lô nhô đua ra tứ phía. Mỗi căn hộ ở đây chỉ rộng từ 15 đến 20m2, các tầng chung nhà vệ sinh, tầng một thấp hơn 1,5m so với mặt đường.

"Khi trời mưa to, tầng 1 nước tràn khắp nhà, tầng 4 trần dột, tôi không dám đi ra hành lang vì thỉnh thoảng lại có một mảng rơi xuống. Ở trong nhà cũng chưa biết sàn dưới chân sụt lúc nào", ông Trần Duy Hùng, 78 tuổi, khu tập thể C5 Quỳnh Mai, nói.

Theo ông Hùng, cư dân đã kiến nghị cả chục năm, nhiều đoàn khảo sát, chủ đầu tư đã đến thăm dò nhưng tất cả lại rơi vào im lặng. "Khu này cách xa đường lớn, diện tích nhỏ, trong khi quá nhiều hộ dân phải di dời. Có lẽ đầu tư không có lãi, nên chủ đầu tư chẳng thiết tha cải tạo", ông Hùng tự lý giải.

Những hộ dân như ông Thu, chị Ngân hay ông Hùng chỉ là phần nhỏ trong số 250.000 người dân Hà Nội đang sống trong 1.579 nhà chung cư cũ xuống cấp.

Vấn đề cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ "xóa" toàn bộ. Tuy nhiên, đến nay mới có 19 chung cư cũ được cải tạo và đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai.

Gần đây nhất, ngày 31/12/2021, thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch cải tạo chung cư cũ đợt I. Theo đó, thành phố sẽ phá dỡ để xây dựng lại 4 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, gồm nhà C8 (khu tập thể Giảng Võ), G6A (tập thể Thành Công), nhà A (tập thể Ngọc Khánh), khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi).TP Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình hoàn tất di dời các hộ dân trong quý I/2022.

Với chung cư đơn lẻ ở 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), thành phố yêu cầu hoàn thành di dời các hộ dân trước quý I/2022 và phá dỡ trong quý II/2023.

Còn với nhà 148-150 Sơn Tây, việc di dời cũng hoàn thành trong quý I/2022 và phá dỡ dự kiến trong quý III/2022.

Ngày 14/3, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 907 QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác của Thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Thành phố về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Tổ công tác của Thành phố có 25 thành viên gồm: Chủ tịch UBND các quận, huyện và các giám đốc nhiều sở, ngành. Tổ công tác do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ, nội dung, kết quả hoạt động của Tổ công tác là nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.

Đây là động thái của UBND TP Hà Nội được người dân mong mỏi, nhằm sớm giải quyết được những vướng mắc tồn tại bấy lâu nay trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.

Mời quý đọc giả đón đọc sáng 18/3:  Vì sao cải tạo chung cư cũ của Hà Nội tiếp tục gặp vướng mắc? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem