47% doanh nghiệp đã biết “nắm tay nhau” vượt khó

Ong Lý (thực hiện) Thứ sáu, ngày 25/12/2020 08:09 AM (GMT+7)
Theo TS Võ Trí Thành (ảnh), doanh nghiệp (DN) có nhiều phương thức để vượt khó, từ cách đơn giản nhất là "ngủ đông" cho đến cắt giảm chi phí nhân công, chuyển đổi sản phẩm,... đặc biệt, các DN đã bắt đầu liên kết cùng nhau vượt khó.
Bình luận 0
47% doanh nghiệp đã biết “nắm tay nhau” vượt khó - Ảnh 1.

Ông nhận định thế nào về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam trong suốt 1 năm qua?

- Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu tác động rất tiêu cực của dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% nửa đầu năm 2020, mức thấp nhất trong suốt tiến trình đổi mới. Do dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 và 8, tăng trưởng dự báo có thể chỉ đạt 2-3% cho cả năm 2020. Sáu tháng đầu năm 2020, gần 31 triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực; con số đó trong tháng 8 là khoảng 5 triệu.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng qua thử thách cho thấy kinh tế Việt đã có sức chống chịu khá tốt. Điều này thể hiện ở con số như: trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Để có được những điểm sáng đó, theo ông, đâu là yếu tố quyết định?

- Theo tôi, có 4 nguyên nhân cơ bản để kinh tế Việt Nam có thể vượt qua thử thách. Một là, Việt Nam có các yếu tố nội tại quan trọng như: có nền tảng vĩ mô ổn định (đã được củng cố sau giai đoạn 2011 - 2012), có khu vực nông nghiệp (được ví như bà đỡ của nền kinh tế), khu vực dịch vụ chưa lớn (nên không bị đại dịch tàn phá nặng nề) và sở hữu tầng lớp trung lưu có tiết kiệm.

47% doanh nghiệp đã biết “nắm tay nhau” vượt khó - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Young Poong Electronics VINA tại khu công nghiệp Bình Xuyên II, Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, cũng giống như nhiều nước, Việt Nam lựa chọn cách kết hợp phòng chống dịch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, cùng với đó là nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN và hỗ trợ người lao động bảo đảm an sinh xã hội. Phản ứng chính sách kinh tế - xã hội của Chính phủ khá kịp thời.

Thứ ba, yếu tố này khá quan trọng đó là sức chịu đựng tốt và khả năng vượt khó của cộng đồng DN. Các DN có nhiều phương thức để vượt khó, trong đó quan trọng là họ đã bắt đầu liên kết tốt hơn. Điều này thể hiện qua việc 47% DN được hỏi đã biết "nắm tay nhau" vượt khó.

Yếu tố thứ tư tăng cường cho sức chống chịu của nền kinh tế là các gói hỗ trợ của Chính phủ đã có những tác động tích cực.

Ông có lời khuyên gì cho các DN Việt Nam trong thời gian tới?

- Trước cú sốc lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của Nhà nước với DN là rất quan trọng. Song dù thế nào, nỗ lực của bản thân DN vẫn có ý nghĩa quyết định. Vấn đề không chỉ là "to be or not to be", cách ứng phó với khủng hoàng mà còn là phục hồi và bứt phá khi dịch qua đi. Các DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs mà Việt Nam tham gia. Cần nỗ lực tham gia chuỗi giá trị, lựa chọn đối tác hiệu quả và "cùng thắng".

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem