Ác mộng buôn bán bào thai ở Chăm Puông (Bài 1): "Vượt cạn" trong túp lều!

Lam Anh – Chiên Hoàng Thứ hai, ngày 15/03/2021 10:58 AM (GMT+7)
Cái đói, cái nghèo song hành với sự thiếu hiểu biết của bà con miền sơn cước Chăm Puông (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) dẫn đến câu chuyện đau lòng: những người mẹ dắt díu nhau vào đường dây buôn bán bào thai.
Bình luận 0

LTS: Còn nhớ, năm 2018, một sê-ri các câu chuyện kinh hoàng tràn qua miền Tây xứ Nghệ - như trận động đất sóng thần có sức mạnh hủy diệt và làm nhức buốt lương tâm con người. Đó là phong trào bán bào thai sang bên kia biên giới.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An bấy giờ là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đã phải dâng kiến nghị lên các bộ, ngành, Quốc hội, rằng vi phạm tày trời này đang không "xử" được. Vì luật Việt Nam chưa có chế tài trong việc bán bào thai, trong khi các hành vi buôn người, buôn bán nội tạng đều đã có quy định khá chặt chẽ. Cơ quan Công an phải lập hồ sơ từng người đàn bà mang bầu, theo dõi thai kì và báo cáo chi tiết về việc sinh nở của họ.

Xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã phải đau khổ chứng kiến tới 20 người phụ nữ ăn nằm với chồng mình, khi thai kì phát triển đến tháng thứ 7 thứ 8 thì theo môi giới sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con.

Những tưởng cuộc tập kích bất ngờ của tội phạm vào các người đàn bà chửa bán bào thai đã kết thúc. Ai ngờ, từ tiết lộ của Tổ chức Rồng Xanh (Blue Dragon), tháng 3/2021, chúng tôi trở lại miền Tây xứ Nghệ, đến bản Chăm Puông của xã Lượng Minh (huyện Tương Dương), lại phải mục sở thị một bộ sưu tập các cơn ác mộng khác.

Một bản nhỏ, có 3 phụ nữ vừa lần lượt sinh con sau khi bị dụ dỗ đi bán bào thai sang bên kia biên giới và bị cơ quan Công an, Biên phòng phát hiện giải cứu đưa về.

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 1): Nhà báo vào bản đúng giờ nạn nhân quằn quại "vượt cạn" trong túp lều! - Ảnh 1.

Một phụ nữ bán bào thai ở bên kia biên giới bất thành, bán bào thai đang là cơn ác mộng mới ở một số huyện Miền tây xứ Nghệ.

Bài 1: "Vượt cạn" trong túp lều!

Ở góc trời này, những trớ trêu của chị em (kể cả bé gái vị thành niên) tự nguyện hoặc bị lừa đi bán dâm, đi làm vợ người Trung Quốc tôi đã chứng kiến đủ. Những người đàn bà bị lừa bán, trở thành Tú Bà, quay về lừa người thân và xóm bản để tiếp tục đưa họ đi bán cũng có.

Có người lấy chồng Trung Quốc, đem cả con lai lẫn chồng Trung về bản Sao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn sinh sống. Làm nhà mới cho chồng mới, sửa nhà cũ cho chồng cũ, hai ông một bà sống như… chuyện tiếu lâm.

Những đứa trẻ chỉ 12 đến 15 tuổi, đã bị lừa bán vào làm nô lệ hầm vàng vùng Quảng Nam, chạy bộ cả tuần mới ra khỏi các dãy núi, tơi tả trở về khi bố đi săn bị bạn săn bắn chết, mẹ già tâm thần, nhà bốn bề gió lộng tan hoang, chị gái bị lừa bán đi làm mại dâm bên Trung Quốc.

Ông Cụt Phò Quyên ở Sao Va, một ngày chứng kiến người ta bọc nilon khiêng 3 cái xác đã bắt đầu phân hủy của 3 người con trai mình từ ngoài dốc núi về. Trước đó, thi thể ba phu vàng vượt hơn nghìn cây số từ rừng xanh núi đỏ xứ Quảng ra nơi xa xôi bậc nhất xứ Nghệ bằng ô tô cọc cạch. Rồi chúng vứt xác xuống bờ cỏ, cho gọi người nhà ra… chuộc.

"Bán bào thai", Chủ tịch xã không tin vào tai mình!

Giữa tận cùng mất mát và giữa sự dắt mũi đau thương phía sau sự gào réo của cái dạ dày cũng như sự cả tin, thiếu hiểu biết của bà con miền sơn cước, không ai ngờ, cao trào còn bị đẩy cao hơn: buôn bán bào thai.

Nhờ sự giới thiệu của ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tôi đã được anh Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh ngồi ở Ủy ban xã lộng gió bên bờ sông xanh mơ chờ sẵn, rồi lên đường vào bản Chăm Puông.

Đường nhỏ, trơn, dốc, đá hộc và đặc biệt là qua các cây cầu vừa khít cái ô tô về cả bề ngang và chiều cao. Vùng này nghèo, Trạm y tế xã hôm đó cũng đang cai nghiện cho hơn chục đệ tử heroin và thuốc phiện nữa.

Anh Phúc bảo: "Lần đầu nghe chị em đi bán bào thai của chính mình, anh đã vô cùng sốc. Anh không tin vào tai mình. Họ ân ái với chồng đến lúc đậu thai, rồi đi khám ngoài y tế huyện, thấy thai lớn mới nhấm nháy hẹn "Tú bà Tú ông" đi bán bào thai ở bên Trung Quốc?".

Điều gì đã khiến chị em "hổ dữ không ăn thịt con" phải khổ sở như thế? Chủ tịch Phúc trả lời tôi, khi trời đã chạng vạng, khi đã thăm đủ nhà chị em ôm bào thai trở về sau hành trình đi bán "lúa non" xứ người. Họ đã trốn lên tận biên giới Lạng Sơn chuẩn bị vượt biên thì bị Công an phát hiện và "giải cứu" về.

Chắc bấy giờ anh Phúc mới đi thực địa đủ và đủ thấm thía sau cái "chết ngất ngư" vì bất ngờ: bà con xã mình đi bán bào thai. Giọng anh như đứt lạc đi, vì đường xóc hay là vì xúc động. "Dù nghèo thế nào, dù bất cứ giá nào, tôi nghĩ không ai muốn bán bào thai có được từ tình yêu, từ cuộc hôn nhân chính thức, từ ngôi nhà yên ấm của mình cả. Lại bụng mang dạ chửa vượt biên giữa mùa dịch bệnh hành hoành nữa chứ. Chỉ có cái nghèo tận cùng, cộng với sự thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức kết hợp với nhau. Cả hai thứ và cả các thứ khác nữa, thì may ra ...".

Nợ người ta 13 triệu đồng, nên phải bán đứa con trong bụng

Bí thư Chi bộ bản Chăm Puông nghe tin Chủ tịch Phúc đến cũng ra trước cổng trường tiểu học đón. Bí thư bảo: "Em không thể ngờ người ta có thể bán bào thai của chính mình sang xứ người, không biết con trai con gái của chính mình đẻ ra giao cho loại người nào, nó đem đi làm điều gì…".

Sao lại đón ở trường? Hỏi ra, mới biết là một nạn nhân của tệ nạn bán bào thai hôm nay đang lập một "túp lều" mới ra ở kề sát, nếu không nói là ở khuôn viên của trường.

Họ nghèo quá, muốn bán bào thai để lấy tiền, giờ bị "trục xuất" về lại quê nhà, tiền dự kiến "thu về để trả nợ" không có, nợ nần vẫn chồng chất, họ phải bán bỏ nhà và ra đây chặt tre nứa làm tạm "chỗ chui ra rúc vào". Tre tươi, nứa cũ vẫn chồng chất. Chồng của "nạn nhân" đang làm lụng và Bí thư Chi bộ bản Chăm Puông dẫn nhà báo đi theo cái cầu thang bằng những thanh gỗ để leo lên "nhà sàn" đang dựng dở.

Ác mộng mới ở Chăm Puông - Ảnh 3.

Ngôi nhà siêu rẻ của Lư Thị H. đang dựng dở

Chúng tôi như chết đứng khi gặp "nạn nhân" Lư Thị H. SN 1991, dân tộc Khơ Mú. Bụng to đùng, mặc váy áo kiểu dân tộc Thái, nhà đang làm, lát nứa với cái sàn oặt ẹo, đi đến đâu chùng chình đến đó.

Lượng Minh từng là thủ phủ buôn ma túy khét tiếng bậc nhất miền Tây xứ Nghệ. Trước đây, tôi từng cùng Phòng Ma túy, Công an Nghệ An vào nằm vùng ở đây, các câu chuyện ông trùm bà trùm tẩu thoát khỏi hang núi, bỏ lại các bao tải bê bết thuốc phiện là có thật.

Giờ con nghiện ở đây vẫn nhiều, sự thật về các bản vắng bóng đàn ông vì quá nhiều người đi ở tù sau khi bị phát hiện buôn bán ma túy vẫn còn đó. Song, nếu nhìn vào Lư Thị H. và gia đình Hà, cũng như thảm họa tự đi bán bào thai lấy tiền về trả hơn chục triệu đồng tiền nợ thì… đúng là hơn cả ác mộng.

Chủ tịch Phúc bước vào, chồng của Hà không nói gì, vẫn cặm cụi đan phên nứa làm nốt cái vách nhà còn thơm mùi tre gỗ mới. Tôi hỏi và Lư Thị H. trả lời cực kì khó nhọc. Mãi tôi mới hiểu vì sao em ậm ừ, xuýt xoa luôn miệng như vậy. Buông lời với tôi xong, thì H. đẻ tọt ra sàn.

Ác mộng mới ở Chăm Puông - Ảnh 4.

Chồng của Lưu Thị H. đang tiếp tục đan phên liếp cho ngôi nhà ở tạm

Sao em lại bán cái thai trong bụng thế?

"Em bị nợ 13 triệu đồng, không có tiền trả người ta. Bố em mất sớm, mẹ em với bố mới lại cũng nợ người ta. Ông Nga ông ấy rủ đi bán cái bào thai trong bụng, em có 3 đứa con rồi, nay có thai lần 4 thì bán bớt. Nhưng ông ấy nói dối em…".

Em sang Trung Quốc bán con, họ sẽ trả bao nhiêu tiền?

"Họ lừa em. Mới chỉ lên đến biên giới Lạng Sơn, là bị công an bắt rồi về thôi. Không được đồng nào. Họ bảo, sang bên đấy, bao giờ đẻ được con, họ mới trả tiền mà. Em giờ bán nhà để trả nợ rồi. Lập nhà ra khu trường học này ở tạm. Nhà đang làm mà".

Ông Nga lừa H. như thế nào?.

"Ối, em đau quá. Ông ấy lừa. Chồng em không biết em bỏ đi bán bào thai đâu, anh ấy về nạt (mắng) em suốt đấy. Em trốn theo ông ấy".

Bao năm tôi thân thiết với những chuyên gia cứu giúp phụ nữ và trẻ em bị bán buôn, bị xâm hại, bị lừa đảo của tổ chức Rồng Xanh. Lần này, lại Rồng Xanh đưa ba chị em mang bầu sắp khai hoa nở nhụy ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh trở về nhà.

Có người, đi đường còn "oán trách" cán bộ đã giúp mình tiền tàu xe, tiền ăn uống, tiền ổn định cuộc sống. Bởi, tôi có muốn về nhà đâu mà các anh cứ đưa tôi về. Tôi phải đi bán bào thai thì mới có tiền để trả nợ ở quê chứ. Giờ về cuộc sống vẫn như thế, đẻ con ra lại phải nuôi à?

Những lời trách của nạn nhân dành cho các ân nhân được nhân loại tiến bộ vinh danh là Anh hùng Giải cứu người kia đã khiến nhiều người bất bình, chán nản hoặc không tài nào hiểu nổi.

Tôi hỏi Lư Thị H. tiếp, Chủ tịch UBND xã, anh Phúc ý nhị bỏ ra ngoài.

Ai là người đưa em đi Trung Quốc?

"Em thương con lắm, mẹ bán con thì thương lắm chứ".

Nói xong một câu trật ý của người hỏi, H. ôm bụng lăn lóc, kêu không chịu được, em sắp đẻ rồi. Tôi lờ đi, song cũng có cảm nhận rằng H. cố tình không nói gì thêm về nhân vật "ông Nga" đã dụ dỗ đưa H. đi sang Trung Quốc bán bào thai.

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 1): Nhà báo vào bản đúng giờ nạn nhân quằn quại "vượt cạn" trong túp lều! - Ảnh 5.

H. nghiến răng rên rẩm và chỉ 30 phút sau là H. sinh hạ một bé trai ngay tại nhà này, khi chúng tôi vẫn đang ở đó

Cuộc "vượt qua cửa mả" đầy ám ảnh trên sàn nhà

Tôi gọi một phụ nữ trẻ đến giúp H. dọn ổ sinh nở. Và nói "đàn bà chửa là cửa mả", sẵn xe, tôi sẽ đưa H. đi trạm xá, đi bệnh viện. Chủ tịch xã, anh Phúc, cũng bảo đi trạm xá chứ, tất cả chị em kéo đến bảo, ở đây ai cũng đẻ tại nhà hết.

Họ chỉ vào một cái vòng dây bện bằng vỏ cây rừng khá to bản, buộc ở một khúc gỗ trên bờ tường. Độ cao của vòng dây cuốn hình tròn, nắm tay vào rất êm ái đó vừa đủ để một người ngồi xổm có thể nắm được vào. Họ bảo: "Sắp đẻ thì đu người lên cái dây này, lên gồng, nín chịu và dặn đẻ. Hai đầu gối sản phụ quỳ xuống sàn nhà, tay vẫn đu mạnh, cố nhấc người lên để đứa bé tọt ra…

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 1): Nhà báo vào bản đúng giờ nạn nhân quằn quại "vượt cạn" trong túp lều! - Ảnh 6.

Những người có kinh nghiệm đỡ đẻ trong bản Chăm Puông đến nhà H. để chuẩn bị giúp H. đẻ.

Tôi lo lắng hỏi một cô gái tóc nhuộm vàng, áo đỏ chót, môi, mày đều xăm, tỉa, trang trí diêm dúa cứ như văn công. Ở đây, tôi gặp vài người phụ nữ thì thấy em nào cũng thế cả, nó phản ánh một con đường mưu sinh xa nhà của họ thật bất trắc, lấm láp và nhục nhằn. Có cô thở dài, em vừa đi tù về do buôn bán ma túy. Còn lại thì bán mình hoặc bán bào thai như em H. mà tôi đang đến thăm nhà.

Hỏi cô tóc nhuộm vàng:

Đẻ thế này liệu có an toan toàn không?

"An toàn chứ, cắt dây rốn bằng cật nứa".

Em đẻ bao giờ chưa mà nói như thật thế?

"Em là cán bộ bản, đẻ 2 lần như thế này rồi".

Nói xong, cô bé đu người lên dây làm mẫu cho tôi hình dung. Ai ngờ, chỉ 1 tiếng sau, khi chúng tôi vẫn ở đó, thì tiếng kêu khóc của H. ú ớ, rên rẩm đến buốt lòng. H. bấu tay lên vòng dây và máu bắt đầu lênh láng khắp sàn nhà. Đứa bé nhăn nheo sẫm đỏ máu và nước ối ra đời. 

Một bà và một cô gái trẻ cắt rốn, lau rửa, nhúng đứa bé vào chậu nước ấm rồi bế lên, tét mông cho nó cất tiếng khóc đầu đời. Lưu Thị H. nở nụ cười mãn nguyện, trong khi cả sàn nhà và ký ức của tôi nhuộm máu theo đúng nghĩa đen…

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 1): Nhà báo vào bản đúng giờ nạn nhân quằn quại "vượt cạn" trong túp lều! - Ảnh 8.

Một phụ nữ Khơ Mú đã 2 lần tự sinh nở tại nhà đang giới thiệu về công dụng của sợi dây sinh nở tại nhà H.

Suýt nữa, cháu bé phải lưu lạc bên Trung Quốc, sau khi mẹ nó nhận vài chục triệu đồng về bản trả nợ. Bé gái sẽ bị đem đi đâu, làm trò gì, là nô lệ tình dục hay là một thân xác để họ mổ ra bán nội tạng? Ai mà biết được?

(Còn nữa)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem