Ai phải chịu trách nhiệm về vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 33 người chết?
Ai phải chịu trách nhiệm về vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 33 người chết?
Quang Trung
Thứ năm, ngày 08/09/2022 05:27 AM (GMT+7)
Đến tối 7/9, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương cho biết, tổng số người thiệt mạng trong vụ cháy quán karaoke An Phú đã lên đến 33. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, trong vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này ai phải chịu trách nhiệm?
Tối 7/9, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đến 20h cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện thêm nhiều nạn nhân tử vong trong quán karaoke An Phú.
Tổng số nạn nhân thiệt mạng lên đến 33, trong đó có một người tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não sau khi nhảy lầu thoát thân từ quán karaoke An Phú.
Trong số 33 nạn nhân thiệt mạng, có 16 nữ và 17 nam. Thi thể các nạn nhân đã được đưa về nhà xác của Bệnh viện Đa khoa Thuận An, Bệnh viện Dĩ An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, còn có 11 nạn nhân bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo báo cáo ban đầu về vụ việc, khoảng 20h15 ngày 6/9, vụ hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (số 166C, Bùi Thị Xuân, khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, cơ bản đám cháy đã được khống chế.
Cơ sở karaoke An Phú do ông Lê Anh Xuân (SN 1980, hiện ở TP Thủ Đức, TP.HCM) làm chủ. Cơ sở karaoke này được thiết kế, xây dựng gồm 3 tầng với khoảng 30 phòng hát, hoạt động từ năm 2016 cho đến nay.
Ai phải chịu trách nhiệm về vụ cháy quán karaoke An Phú?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, rất thương tâm khi thông tin ban đầu cho thấy có đến 33 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, gây mất an toàn cho những gia đình xung quanh.
Theo quy định của pháp luật, karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, mới được phép hoạt động.
Theo quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh karaoke, vũ trường, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định này, các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Theo ông Cường, quy định này cũng quy định nguyên tắc để tổ chức hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường là phải bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Không lợi dụng hoạt động kinh doanh làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác…
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ cháy. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người quản lý cơ sở kinh doanh này đã vi phạm quy định tại Nghị định 54 nêu trên, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" hoặc tội "Vô ý làm chết người" tùy theo lỗi vi phạm cụ thể.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy nguyên nhân vụ cháy là do cơ sở kinh doanh này không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác dẫn đến vụ cháy xảy ra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo điều 313 Bộ luật hình sự.
Vị Tiến sĩ cho rằng, chủ cơ sở kinh doanh, người trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của cơ sở này phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân trong vụ cháy.
Nếu bị chứng minh có vi phạm, với hậu quả 33 người chết, nhiều người bị thương, người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất tuổi 12 năm tù theo quy định của Điều 331.
Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản.
Ngoài ra, đối với những người bị thương tích phải bồi thường thiệt hại tiền chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, bồi thường tiền công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.