Bác sĩ người Mông - niềm hi vọng duy nhất của bệnh nhân chạy thận ở Sa Pa mong được giúp đỡ

Phúc Điền - Mùa Xuân Thứ năm, ngày 22/09/2022 10:09 AM (GMT+7)
Bác sĩ Giàng A Sang (SN 1987) là bác sĩ duy nhất chuyên ngành chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa. Nhưng không may anh cũng là bệnh nhân của Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai) khi mới 35 tuổi.
Bình luận 0

Clip: Bác sĩ người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) “cõng” máy chạy thận lên non.

Cuộc đời éo le của bác sĩ vùng cao

Cách trung tâm Thành phố Lào Cai chừng 35km, ngược đèo Sa Pa, chúng tôi đến thăm Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa (Lào Cai) vào một ngày mùa Thu. 

Tiếp chuyện với chúng tôi, giọng bác sĩ Sang chùng xuống, anh kể: "Về công tác tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa được mấy năm, tôi được Bệnh viện giao nhiệm vụ đi học thêm về kỹ thuật chạy thận nhân tạo và lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa ra mắt Khoa Thận nhân tạo và giao cho tôi phụ trách. Cuối năm 2020, tôi phát hiện bản thân mình cũng đang bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Tôi chợt nghĩ, việc mình làm bác sĩ và nhiệm vụ phụ trách khoa này có lẽ do số phận đã sắp xếp".

Một năm qua, vào các ngày thứ 2,4,6 hàng tuần, bác sĩ Sang trực tiếp điều trị, lọc máu cho các bệnh nhân suy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa, nhưng ngày thứ 3,5,7 hàng tuần anh lại ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để lọc máu cho chính mình.

Cám cảnh bác sĩ người Mông ở Sa Pa “cõng” máy chạy thận lên non - Ảnh 2.

Bác sĩ Giàng A Sang chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa. Ảnh: P.Đ.

Mấy năm nay, từ căn bệnh của chính mình và thực tế chăm sóc hàng nghìn lượt bệnh nhân lọc máu, anh thấu hiểu những đau đớn và nỗi khổ tâm của bệnh nhân. Hơn nữa, chi phí khám chữa bệnh rất lớn. Xác suất để người nghèo có cơ hội được ghép thận là con số không. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Sang cho biết, chính anh đã từng có ý nghĩ buông xuôi tất cả. Nhưng thương người vợ tần tảo và 2 người con nhỏ đang tuổi ăn học, nghĩ tới công lao bố mẹ đã nuôi dạy anh khôn lớn, trưởng thành. Đồng thời còn rất nhiều bệnh nhân hàng ngày cần anh chăm sóc... nên anh cố gắng vượt qua cơn đau để tiếp tục sống, làm việc.

Mỗi khi thấy bệnh nhân của mình đau đớn, chán chường… anh là người gần gũi, động viên, chia sẻ để họ suy nghĩ lạc quan tiếp tục nuôi hy vọng sống. Thế rồi, chính những người bệnh lại là nguồn động viên khiến những tiêu cực của anh Sang được tháo gỡ.

Cám cảnh bác sĩ người Mông ở Sa Pa “cõng” máy chạy thận lên non - Ảnh 3.

Bác sĩ Giàng A Sang mong muốn được ghép thận để tiếp tục cống hiến sức trẻ, cứu chữa những người bệnh nhân khác. Ảnh: P.Đ.

Bác sĩ Sang là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Mông ở xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Bố, mẹ và vợ anh đều  làm nông nghiệp. Đến nay, đôi vợ chồng trẻ đã có 2 người con. "Trăm dâu đổ đầu tằm" khi 2 con của Sang mỗi ngày một lớn. Mấy thửa ruộng trồng lúa nước ở quê nhà mỗi năm chỉ làm được 1 vụ, năm thất bát gia đình không đủ gạo ăn. Mọi chi phí sinh hoạt cho cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của anh Sang. Nhưng, hơn 1 năm nay, anh Sang phải luân phiên 3 lần/tuần "vượt nắng thắng mưa", trải qua hàng chục Km đường đèo đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để đi tìm sự sống cho bản thân.

Bác sĩ Phạm Lê Trung - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa, cho biết: "Đến thời điểm này, Sang là bác sĩ duy nhất của Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa có chuyên môn chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Sang có tính cách điềm đạm, luôn nỗ lực trong công việc và ân cần đối với bệnh nhân.

Cuối năm 2020, Sang có biểu hiện của bệnh thận. Bệnh viện đưa Sang về bệnh viện tuyến Trung ương kiểm tra tổng thể, sau đó nhận được kết luận bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối và được chỉ định lọc máu bằng phương pháp chạy thận nhân tạo. Do đó, hơn 1 năm nay, bác sĩ Sang là bệnh nhân quen mặt của Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai)".

Bác sĩ quyết tìm sự sống vì "ngày mai" của nhiều người

Giờ đây, những đau đớn không làm bác sĩ trẻ Giàng A Sang lung lay ý chí, ngược lại còn tiếp thêm quyết tâm chiến đấu với bệnh tật. Anh tự nhủ với chính mình: "Phải sống để cống hiến sức trẻ cho "ngày mai" và cứu chữa rất nhiều bệnh nhân khác nữa".

"Mỗi lần tôi tự đi xe máy tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai là lúc đến kỳ chạy thận. Khi đó sức khoẻ của tôi không tốt, người nặng trĩu vô cùng mệt mỏi. Chạy thận xong cả người chếnh choáng, muốn ngất vì đau đầu và khó thở. Những lúc như vậy, tôi lại nhớ đến vợ, con, gia đình và những bệnh nhân mỗi ngày đến khoa đợi mình, khiến tôi quên mất nỗi đau của bản thân".

Cám cảnh bác sĩ người Mông ở Sa Pa “cõng” máy chạy thận lên non - Ảnh 4.

Bác sĩ Giàng A Sang trên giường bệnh chạy thận nhân tạo. Ảnh: P.Đ.

Nhắc đến bác sĩ Sang, ông Lý Phủ Chản (59 tuổi) ở xã Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai) - bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa xúc động: "Đầu năm nay, tôi bị nhiễm Covid-19. Tôi sợ mình có bệnh nền sẽ không qua khỏi. Hơn nữa, từ nhà tôi ra đường quốc lộ để bắt được xe buýt đến bệnh viện phải đi bộ khoảng 6km. Do đó tôi đã quyết định không đi chạy thận nữa. Từ khi tôi nghỉ chạy thận, ngày nào bác sĩ Sang cũng gọi động viên tôi, chia sẻ cách giữ vệ sinh mũi họng, uống thuốc và ăn ngủ đúng cách.

Đến ngày thứ 10, khi xét nghiệm đã âm tính với Covid-19, tôi mừng lắm. Tôi gọi điện cho bác sĩ Sang rồi đến viện tiếp tục chạy thận. Tôi biết, khi đó bác sĩ cũng đang phải thường xuyên đi xuống chạy thận cho chính anh ở bệnh viện tỉnh. Chúng tôi cảm phục về ý chí, nghị lực của bác sĩ Sang nhiều lắm".

Trước đây, người bệnh trên địa bàn thị xã Sa Pa, dù điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn nhưng mỗi tuần phải 3 lần chạy thận ở tỉnh và ngoại tỉnh Lào Cai . Có những người yếu quá không đi lại được, phải thuê nhà gần bệnh viện để tiện điều trị. Nhiều khi các bệnh nhân thận ở Sa Pa muốn đi đâu đó ít ngày cũng như bệnh nhân thận ở nơi khác muốn đến Sa Pa du lịch, nghỉ ngơi... nhưng lịch chạy thận lại cách ngày nên không thể đi.

Khi Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa đã giải quyết được nhu cầu chạy thận tại địa phương, khoa còn đón nhiều ca bệnh ngoại tỉnh và người nước ngoài.

Bác sĩ Phạm Lê Trung kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và cộng đồng cùng sẻ chia với bác sĩ Sang. Giúp anh kéo dài thêm sự sống, để tiếp tục nuôi hy vọng sống cho những bệnh nhân khác.

"Sau bao ngày chờ đợi, ngày 19/9, bác sĩ Sang nhận được thận hiến phù hợp. Ban giám đốc Bệnh viện đã đưa bác sĩ Sang xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiếp nhận ghép thận. Sau một thời gian kêu gọi, đến chiều ngày (20/9), chúng tôi đã nhận đủ số tiền do các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và sự đóng góp của cán bộ, viên chức toàn ngành Y tế tỉnh Lào Cai để chi trả viện phí cho bác sĩ Sang. 

Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình bác sĩ còn quá khó khăn, trong khi quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng rất lớn. Mong rằng các nhà hảo tâm sẽ cùng chung tay giúp đỡ bác sĩ Sang để vượt qua giai đoạn khó khăn!" - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sa Pa bày tỏ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Số tài khoản: 104868576645 - Ngân hàng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhanh Lào Cai.

Chủ tài khoản: Giàng A Sang

Hoặc: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ bác sĩ Sang – Lào Cai

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem