Bán quyền kiểm soát lấy tiền trả “công nợ”, lãnh đạo Ocean Group bị cổ đông tố cáo
Nhật Minh
Thứ tư, ngày 16/09/2020 16:10 PM (GMT+7)
Nhắc tên trong khoảng 10 vụ kiện lớn nhỏ, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) tiếp tục gây xôn xao khi nhóm cổ đông “tố cáo” Ban Tổng giám đốc và Hội đồng Quản trị liên quan đến quyết định chuyển nhượng 20 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH.
Phản ánh tới Dân Việt, nhóm cổ đông sở hữu trên 63 triệu cổ phần, tương đương với 21,5% vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) cho biết, đã gửi đơn tố cáo về hành vi vi phạm việc kê biên tài sản và gây thiệt hại đến tài sản của người khác của Ban Tổng Giám đốc (TGĐ) và Hội đồng quản trị (HĐQT) Ocean Group tới cơ quan cảnh sát điều tra C03, Bộ Công An.
Bán quyền kiểm soát lấy tiền trả "công nợ", lãnh đạo
Ban Tổng Giám đốc và Hội Đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Đại Dương được đề cập trong đơn tố cáo bao gồm: ông Mai Hữu Đạt (Chủ tịch HĐQT); ông Nguyễn Thành Trung, ông Bùi Anh Sang và bà Nguyễn Mai Phương (Thành viên HĐQT); ông Lò Hồng Hiệp (Tổng Giám đốc); Nguyễn Giang Nam (Phó Tổng Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Dung (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính – thành viên ban Tổng Giám đốc).
Nhóm cổ đông này cho biết, vào ngày 1/9/2020, Ban TGĐ OGC đã có Tờ trình số 55/2020/TTr-BTGD (Tờ trình 55/2020. Trong đó, đề xuất chuyển nhượng 20 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH) do OGC sở hữu, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của OGC từ 59,85% xuống còn 49,85%.
Vào ngày 11/9, HĐQT OGC đã thông qua Tờ trình 55/2020 với 4/5 thành viên HĐQT đồng ý, thể hiện tại Nghị quyết số 015/2020/NK/19-24/NQ-HĐQT-OGC (Nghị quyết 015/2020).
Theo đó, nội dung của Tờ trình 55/2020 và Nghị quyết 015/2020 sẽ gây thiệt hại lớn cho Ocean Group và giá trị cổ phiếu OGC, từ đó gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông Ocean Group và giá trị của tài sản bị kê biên do Cục Thi hành án Dân sự (THADS) quản lý. Được biết, Cục THADS TP.Hà Nội hiện đang kê biên quản lý 36 triệu cổ phần OGC, tương đương 12% vốn điều lệ Ocean Group.
Đi sâu vào chi tiết, nhóm cổ đông chỉ rõ, việc chuyển nhượng 10% cổ phần tại OCH của Ocean Group sẽ làm OGC không còn quyền kiểm soát OCH. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các cổ đông OGC.
Theo đó, OGC có quyền bỏ phiếu ít hơn 50% tại Đại Hội Đồng Cổ Đông (ĐHĐCĐ) của OCH. Do đó, OGC sẽ không có khả năng thông qua các quyết định tại ĐHĐCĐ của OCH. Bởi theo Điều Lệ của OCH và Luật Doanh Nghiệp 2014, phần lớn các quyết định tại ĐHĐCĐ của OCH cần được thông qua bởi cổ đông đại diện cho ít nhất 51% số phiếu có quyền biểu quyết.
Như vậy, ban lãnh đạo OGC đang chủ động bán đi quyền kiểm soát OCH?
Ngoài việc bán quyền kiểm soát quan trọng nhất, động thái này sẽ làm giảm giá trị của toàn bộ số cổ phần còn lại (49,85%) tại OCH của Ocean Group do mất cơ hội thu được từ việc bán toàn bộ số cổ phần của OGC tại OCH kèm theo quyền kiểm soát cho đối tác khác.
Nhóm cổ đông lập luận, hiện nay với 59,85% cổ phần tại OCH, OGC có quyền kiểm soát OCH. Theo thông lệ thị trường, số lượng cổ phiếu đem lại quyền kiểm soát một công ty đại chúng cao hơn 30% giá trị thị trường của cổ phiếu của công ty đó.
Vì vậy, nếu Ocean Group bán đi 10% cổ phần tại OCH với mức giá bằng với giá thị trường thì giá trị của số cổ phần còn lại tại OCH sẽ giảm tối thiểu 30%. Vì OGC không thể bán số cố phần còn lại với mức giá cao hơn giá thị trường do số cổ phần còn lại không đem lại quyền kiểm soát OCH cho người mua.
Cũng phải nói thêm, Ban TGĐ đề xuất việc bán cổ phần tại OCH thông qua việc giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay thanh khoản hàng ngày của cổ phiếu OCH là rất thấp (chỉ khoảng 1.200 cổ phiếu giao dịch/ngày).
Vì vậy, việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH trên sàn giao dịch sẽ dẫn tới việc giảm giá chuyển nhượng. Ngoài ra, nhóm cổ đông sở hữu 21,5% vốn điều lệ của OGC lo ngại với số lượng giao dịch hàng ngày quá ít, giá chứng khoán OCH trên thị trường dễ bị thao túng nếu thực hiện chuyển nhượng.
Trong khi đó, các thông tin về khoản nợ phải thanh toán của Ocean Group và về kế hoạch sử dụng tiền thu được từ việc bán cổ phần OCH là không rõ ràng và không chính xác; Nếu việc trả nợ của OGC là cần thiết thì OGC cũng có thể có các phương án khác ít gây thiệt hại hơn đối với các cổ đông của OGC. Chưa kể, việc ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT thực hiện các công việc nêu tại Tờ trình 55/2020 là không hợp pháp.
Cũng theo nhóm cổ đông, nếu báo cáo tài chính của OCH không được hợp nhất vào OGC do OGC mất kiểm soát OCH sau chuyển nhượng, OGC và các cổ đông sẽ phải gánh chịu thiệt hại như: Tổng tài sản của OGC sẽ giảm 1.601 tỷ đồng, tương đương 43,3%; Tổng doanh thu của OGC sẽ giảm 1.146 tỷ đồng, tương đương 97,2% và lợi nhuận của OGC sẽ giảm 35 tỷ đồng tương đương 9,3%.
Ngoài ra, cổ đông còn cho rằng mình bị lừa dối khi HĐQT kiểm soát công bố thông tin bán cổ phần của mình trước khi công bố thông tin bán tài sản lớn. Ban Lãnh đạo OGC còn có những động thái công bố thông tin và thoái vốn tại công ty trước khi công bố thông tin bán tháo tài sản.
Tổng Giám đốc Ocean Group nói gì?
Ocean Group từng là một trong số những tập đoàn đa ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và tiềm năng nhất trong các công ty niêm yết cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của OGC, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 14 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng các khoản phải thu khiến tiền và tương đương tiền giảm xuống còn 211 tỷ đồng. Nếu nhìn báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, tiền và tương đương tiền rất thấp, chỉ là 27 tỷ đồng. Điều này cho thấy phần nào áp lực về thanh khoản đối với hoạt động của Ocean Group.
Thế nhưng, với một Tập Đoàn làm ăn "bết bát" như Ocean Group hiện nay, việc ban lãnh đạo "tự tay" tước đi quyền kiểm soát tại OCH - công ty con quan trọng nhất trong hệ sinh thái OGC, đóng góp tới 97,2% doanh thu của OGC không thể tránh khỏi những hoài nghi và những dấu hỏi lớn của cổ đông đối với những người điều hành tại đây?
Phản hồi về những vấn đề này, ông Lò Hồng Hiệp cho biết, doanh nghiệp chưa nắm được thông tin cổ đông tố cáo HĐQT và Ban TGĐ. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, đã là cổ đông của doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến, quan điểm đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cổ đông có lập luận của cổ đông nhưng Ban TGĐ Ocean Group cũng có những sở cứ của mình.
Ông Hiệp nói, khi đặt vấn đề chuyển nhượng một phần vốn tại OCH của OGC hay các quyết định khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Ban TGĐ cũng đã đưa ra những sở cứ của mình. Để nghe cho đủ "2 tai", theo ông Hiệp, cần phải xem xét nhiều vấn đề. Ví dụ như, vì sao OGC lại quyết định bán số cổ phần đó đi? Là vì, có những khoản nợ cấp bách hay xuất hiện những vấn đề nếu như không xử lý thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động liên tục của công ty.
"Không trả nợ nếu bị kiện, công ty không chỉ giảm uy tín, ảnh hưởng tới thương hiệu mà thậm chí đối tác còn có thể kiện cho doanh nghiệp đến mức phá sản. Lúc đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích của cổ đông. Tôi lấy ví dụ một nguyên nhân như thế", ông Hiệp nhấn mạnh và bổ sung thêm. "Đương nhiên cổ đông thì có quyền ý kiến A, ý kiến B nhưng, chúng tôi hoạt động theo đúng nguyên tắc của công ty cổ phần, công ty đại chúng. Chúng tôi xem xét phương án và trình lên. Quyết định là do HĐQT. HĐQT cũng hoạt động theo đúng nguyên tắc của luật doanh nghiệp và công ty cổ phần".
Cũng theo Tổng Giám đốc OGC, Ban TGĐ đã xem xét và tính toán đến nhiều phương án mới đưa ra quyết định. Trong đó có tính đến những thiệt hại (có thể có) nếu thực hiện chuyển nhượng 10% vốn tại OCH của OGC. Tuy nhiên so với việc giảm giá cổ phiếu, thì nếu công ty bị kiện và có thể dẫn tới phá sản còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Được biết, tại Nghị Quyết ĐHĐCĐ năm 2020 của Ocean Group, Công ty này cho biết hiện đang tham gia khoảng 10 vụ kiện lớn nhỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.