Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đã có nhiều cuộc họp, giải pháp đưa ra, song đến nay, tình trạng hết xăng, đại lý không bán hàng vẫn diễn ra như cơm bữa ở nhiều tỉnh phía Nam, gây bức xúc cho người dân.
Từ giữa tháng 8, trên diễn đàn xăng dầu Việt Nam, một số đại lý xăng dầu kêu than về tình trạng chiết khấu 0 đồng, thậm chí chiết khấu âm. Nhiều đại lý than phiền, đây là lần đầu tiên họ phải mua xăng dầu từ nguồn nhập là tổng đại lý, thương nhân với giá đắt đỏ hơn giá điều hành (giá bán lẻ).
Tình trạng này bắt đầu nở rộ và kéo sang tháng 9, tháng 10 và chứng kiến tình cảnh thiếu hụt cục bộ xăng dầu ở nhiều tỉnh phía Nam. Đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết phải chấp nhận mua xăng dầu không có hoa hồng, bán chịu lỗ nhằm qua thời gian để duy trì hoạt động, tuy nhiên, tình trạng mua xăng đắt, bán xăng rẻ đã khiến đại lý xăng dầu không thể duy trì hoạt động này mãi được.
Theo giới chuyên gia, việc thương nhân đầu mối, phân phối cắt chiết khấu, bán xăng cho đại lý không có hoa hồng là việc "cực chẳng đã" bởi bản thân họ cũng lỗ về giá và chi phí lớn.
Về nguồn cung xăng dầu, thị trường xăng dầu Việt Nam trong quý II/2022 ghi nhận sự thiếu hụt do Lọc dầu Nghi Sơn không đủ sản lượng cam kết. Ngay sau đó, Bộ Công Thương yêu cầu 10 đầu mối nhập thêm bù đắp thiếu hụt trong nước. Đến các tháng 6, 7 và 8, cao điểm giá xăng dầu thế giới tăng cao thị trường xăng dầu Việt Nam không còn dấu hiệu thiếu hụt. Tuy nhiên, từ đây nảy sinh các vấn đề lớn liên quan đến chiết khấu âm, đại lý thiếu xăng.
Điển hình như trong tháng 7, khi giá xăng dầu lập đỉnh, đầu mối mua xăng dầu về nhưng ngày sau đó xăng dầu hạ nhanh chóng, giá điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính được giảm mạnh đã khiến mỗi lít xăng dầu nhập, doanh nghiệp lỗ từ 600-1.000 đồng/ lít.
Cộng với chi phí lưu thông, chi phí định mức kinh doanh, phương pháp tính giá cơ sở để tính giá điều hành được áp dụng từ năm 2014… nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng các chi phí này không tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp, dẫn đến họ chịu lỗ từ các hoạt động nhập xăng dầu về bán, lưu kho và vận chuyển đến các đại lý bán lẻ.
Theo giới chuyên gia xăng dầu, muốn chấm dứt tình cảnh hết xăng, đại lý treo biển đóng cửa việc đầu tiên là cần tháo gỡ chính sách; thứ 2 là giải pháp trích Quỹ bình ổn để bù thua lỗ của doanh nghiệp đầu mối do nhập giá xăng dầu cao, bán giá thấp, thứ 3 là lên phương án các nguồn xăng dầu thay thế nhằm tránh rủi ro thiếu cung cục bộ.
Về phương án tháo gỡ chính sách kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cho biết họ chịu thiệt hại do giá nhập cao hơn giá bán, cộng với các chi phí phát sinh như phí định mức, phương pháp tính giá cơ sở cũ lạc hậu… Chính vì vậy, liên Bộ Công Thương và Tài Chính cần ngồi lại, lắng nghe và cùng doanh nghiệp tháo gỡ.
Về phương án trích Quỹ bình ổn để bù thua lỗ của doanh nghiệp đầu mối do nhập giá xăng dầu cao, bán giá thấp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ Công thương đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước.
Chính vì vậy, việc lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước là giải pháp có thể được tính đến nhằm ổn định thị trường, đưa trở về trạng thái bình thường.
Ngoài ra, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần rà soát thay đổi cách tính giá, chi phí định kỳ 3 tháng/lần thay vì 6 tháng như hiện để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.