"Bụng to không cho ra đường"

Nguyễn An Thanh Thứ bảy, ngày 03/10/2020 08:20 AM (GMT+7)
Trong năm nay, Cục Cảnh sát Giao thông sẽ nghiên cứu đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của cảnh sát giao thông trước khi phân công làm nhiệm vụ ngoài đường. Đây không chỉ là thay đổi hình ảnh về cảnh sát, mà còn giúp họ làm nhiệm vụ tốt hơn.
Bình luận 0

Mới đây, đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) cho biết, thời gian tới lực lượng CSGT phải nâng cao năng lực, kiến thức sức khỏe để đáp ứng các yêu cầu khi ra đường làm nhiệm vụ. Đây là yêu cầu tiên quyết từ lãnh đạo Bộ Công an đối với lực lượng CSGT.

Nói về những hình ảnh không đẹp của một số cán bộ, chiến sĩ vòng 2 to đang làm nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường, ông Bình nhấn mạnh. "Cảnh sát bụng to sẽ gặp khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy, do vậy chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng quy định những cán bộ vòng 2 to sẽ không làm nhiệm vụ ngoài đường". 

Thế là câu chuyện "bụng to không cho ra đường" không còn chỉ là trên các bàn trà, dường như Bộ Công an đã quyết tâm xây dựng lại hình ảnh người CSGT trong mắt người dân. Thoạt tưởng, đây chỉ là câu chuyện "trà dư, tửu hậu" nhưng lại là chuyện có thật. Đó đây, trên các mạng xã hội người ta vẫn bắt gặp những hình ảnh không lấy gì đẹp mắt về các đồng chí CSGT bụng bự rất phản cảm.

Rất nhiều người ngạc nhiên khi nghe lãnh đạo Cục CSGT nói về vấn đề này bởi lâu nay mọi người đều hiểu rằng tiêu chuẩn sức khỏe để được đứng vào hàng ngũ lực lượng công an rất khắt khe. Bộ Công an có hẳn thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe và khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Ngay cả các thí sinh muốn theo học các học viện, trường đại học cũng phải tuân thủ quy định thông tư về tuyển sinh trong Công an nhân dân.  

Xem ra, tiêu chuẩn vào công an khắt khe chả kém gì tuyển phi công, chiều cao từ 162 cm (đối với nam), 158 cm (đối với nữ) đến dưới 195 cm. Cân nặng từ 47kg trở lên đối với nam, từ 45 kg trở lên đối với nữ. Dường như thấy thế vẫn chưa đủ, mới đây Bộ Công an còn đưa thêm quy định phải có chỉ số khối cơ thể BMI từ 18.5 đến 30 (đối với cả nam và nữ).

"Bụng to không cho ra đường" - Ảnh 2.

Cảnh sát Philippines không thể tốt nghiệp khóa đào tạo 4 tháng nếu không đạt chỉ số BMI bình thường. Cảnh sát béo phì không được làm nhiệm vụ.

Chỉ số BMI được tính bằng trọng lượng cơ thể (kg) chia cho bình phương chiều cao (m) vốn lâu này chỉ được biết đến trong các cuộc thi nam vương, hoa hậu mà thôi. Với nhưng quy định như thế, thì không chỉ lùn mà ngay cả nam cao quá 1m95 và nữ cao trên 1m80 sẽ không đủ điều kiện để dự tuyển vào đại học chính quy Công an nhân dân.

Như vậy, nguyên nhân "bụng to" của những cán bộ, chiến sĩ công an được cho là "mặt tiền của mặt tiền" không phải là lọt qua "đầu vào" mà chủ yếu do quá trình sinh hoạt ăn uống và ít tập luyện. 

Một sĩ quan cảnh sát (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Nếu chỉ cần tập luyện thường xuyên 4 môn (đối với nam) gồm chạy 100 m, chạy 1.500 m, tại chỗ bật xa, nằm sấp chống đẩy hoặc co tay xà đơn (được chọn một trong hai nội dung); nữ phải chạy 100 m, chạy 800 m, tại chỗ bật xa thì 100% chả bao giờ "có mỡ" chứ huống hồ chi mắc phải bệnh bụng bự".

Thực ra, bụng to không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà là "điều không muốn nói" của cảnh sát khắp thế giới, từ Thái Lan, Ấn Độ cho tới Pakistan, Indonesia… Ngoài việc, tuyệt đối cấm cảnh sát các nước này tụ nhập, nhậu nhẹt thì tại Thái Lan, cảnh sát thừa cân phải đến Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát để giảm cân cấp tốc bằng cách ăn kiêng và tập thể dục. Cảnh sát Indonesia buộc phải tham gia một khóa tập Aerobic 'không tự nguyện'…

Thực tế cho thấy, ngoài vấn đề về "hình ảnh" thì một cảnh sát quá béo sẽ gây ra không biết bao vấn đề phiến toái trong quá trình làm việc. Bụng bự thì chắc chắn sẽ kéo theo hệ lụy thao tác, di chuyển chậm chạp và đặc biệt là họ không thể nhào lộn hay có nhưng động tác "phi thân" khi tham gia truy bắt tội phạm. Bụng bự còn khiến cho các cảnh sát đứng ngoài đường gặp nguy hiểm đến tính mạng khi gặp các đối tượng chống đối có vũ khí, so với các đồng nghiệp có vóc dáng gọn ghẽ thì độ khéo léo và nhanh nhạy giảm đi đáng kể.

Nhà thơ Phạm Mầu nói: "Không chỉ có tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải quyết, hỗ trợ nạn nhân tai nạn, cảnh sát béo quá sẽ ục ịch, nặng nề, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ mà kể cả những công tác như dẫn đoàn, điều hành giao thông, bạn bè quốc tế và người dân nhìn vào cũng khó coi".

Cách đây 7 năm, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước đưa cảnh sát giao thông bụng béo về làm nhiệm vụ văn phòng để xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông thủ đô thân thiện, gần gũi và đẹp trong mắt người dân. Nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp "phần ngọn", điều quan trọng hơn là người dân mong muốn chính các cảnh sát ý thức được vấn đề sức khỏe, hình thể của mình để tăng cường tập luyện và sinh hoạt điều độ.

Sau khi "bụng to không cho ra đường" thì đã đến lúc Bộ Công an cần phải mạnh dạn quy định "bụng to không cho làm nhiệm vụ" để hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân đẹp hơn trong mắt người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem