Tiền lương của công chức, viên chức cấp xã thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 07/11/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tới đây khi cải cách tiền lương, tiền lương của nhóm cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều khoản trợ cấp sẽ bị cắt bỏ.
Bình luận 0

Tiền lương đối với chủ tịch Hội đồng nhân dân xã khi cải cách tiền lương

Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là một chức vụ cán bộ cấp xã. Khi cải cách tiền lương, cách xếp lương của chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cũng thay đổi.

Hiện nay, việc xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có chủ tịch Hội đồng nhân dân xã được quy định tại Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Theo đó:

Trường hợp 1, với nhóm công chức tốt nghiệp trình độ đại học, chuẩn chuyên môn được xếp lương theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Trường hợp 2, trong thời gian công tác, cán bộ, công chức cấp xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.

Tiền lương của công chức, viên chức cấp xã thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương  - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp xã được xếp tiền lương theo bảng lương theo vị trí lãnh đạo. Ảnh: Nguyễn Khang

Tới đây, khi cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 thì sẽ có 2 bảng lương được áp dụng với nhóm công chức cấp xã. Theo đó, sẽ có một bảng lương áp dụng cho công chức giữ chức vụ lãnh đạo (được bổ nhiệm, bầu cử, từ trung ương đến địa phương). Một bảng lương áp dụng cho công chức hành chính, đảm nhiệm công việc chuyên môn nói chung.

Bảng lương chức danh lãnh đạo phải đảm bảo nguyên tắc: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

"Hiện cả nước có hơn 500.000 công chức trong đó có hơn 256.393 công chức cấp xã phường. Tổng số công chức hành chính cấp huyện trở lên là 254.757 người. Tổng số viên chức là hơn 1,7 triệu người. Số lượng chuyên viên cao cấp là hơn 2.706 người".

Số liệu cập nhật tới ngày 31/12/2022, Bộ Nội Vụ

Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.

Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

Như vậy việc xếp lương đối với chủ tịch Hội đồng nhân dân xã khi cải cách tiền lương tuân thủ theo nguyên tắc trên được đề ra tại Nghị Quyết 27 của trung ương. Tiền lương được xếp theo bảng lương, theo vị trí việc làm. 

Cán bộ xã có bị cắt phụ cấp kiêm nhiệm khi cải cách tiền lương?

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, sẽ có 36 đơn vị bị cắt bỏ phụ cấp đặc thù. Nhiều khoản phụ cấp khác cũng sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên, Nghị quyết 27/NQ-TW cũng nêu đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) vẫn tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm như hiện nay.

Tại Điều 20, Nghị định 33/2023/NĐ-CP cũng có quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ của cán bộ cấp xã như sau:

Theo đó, nếu như cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 1 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

tiền lương khi cải cách tiền lương của công chức cấp xã

Cán bộ công chức cấp xã giữ chức danh lãnh đạo sẽ không bị cắt phụ cấp kiêm nhiệm. Ảnh: Dương Anh

Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức vụ, chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chức vụ, chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm được so với quy định.

Như vậy, căn cứ nội dung nêu trên, cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều chức vụ thì được tính phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1) + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức vụ kiêm nhiệm (nếu có) với điều kiện: Giảm được 1 người trong số lượng cán bộ xã.

Nếu cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều chức vụ thì cũng chỉ được tính 1 mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất.

Trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ xã giảm được so với quy định thì Ủy ban nhân dân huyện sẽ quyết định chức vụ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm của cán bộ xã.

Trong khi đó, theo Nghị quyết 27/NQ-TW, khi cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ tiến hành sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương; tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm… đồng thời xây dựng quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ lương.

Như vậy, khi cải cách tiền lương, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân vẫn được áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc Hội (Ủy ban Xã Hội) cho rằng khi cải cách tiền lương cần tính toán kỹ, đảm bảo chế độ tiền lương cho công chức, viên chức, ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt công chức, người giữ chức vụ lãnh đạo ở vùng đặc biệt khó khăn. 

Công chức, cán bộ cấp xã là người "đứng mũi chịu sào" quản lý, chỉ đạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ từ trên xuống. Để chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn thì vai trò lãnh đạo, thực hiện của cấp này đóng vai trò quan trọng nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem