Cấm xe máy, rồi sẽ phải cấm cả ô tô?

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 22/03/2019 08:05 AM (GMT+7)
Việc đề xuất cấm xe máy mà chưa có lộ trình cấm xe ô tô hoạt động trong nội thành Hà Nội là chưa công bằng, sẽ gây ra hệ lụy và đều không thuyết phục, không hợp lý.
Bình luận 0

Quan điểm của tôi, xin “nói ngay cho vuông”, cấm xe máy lưu thông hay cấm ô tô trong nội thành Hà Nội (nếu có) đều chỉ là chữa cháy và không thuyết phục, không hợp lý.

Lỗi này, cần phải chỉ ra, là đã sai ngay từ tư duy của bộ máy chính quyền vài chục năm trước trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị. 

img

Đề xuất cấm xe máy trên một số tuyến đường Hà Nội đang gặp nhiều phản ứng của người dân.

Tôi có đọc trên báo ý kiến của chuyên gia Lương Hoài Nam và thấy có lý. Ông Lương Hoài Nam cho rằng đó là lỗi ở chính quyền, không phải ở người dân.

Và ông đã nhận xét đại để rằng: Từ khi dỡ đường ray tàu điện ở Hà Nội để lấy đường cho xe máy chạy, cùng với sự phát triển ỳ ạch của xe buýt và MRT (tàu điện trên cao), “văn hóa giao thông công cộng” của đại đa số người Việt Nam đã bị triệt tiêu vì hoàn cảnh. Lỗi ở chính quyền, không phải ở người dân.

Thay vì phát triển mạnh giao thông công cộng cho dân đi, đầu tiên bằng các mạng lưới xe buýt và tàu điện giống như ở mọi đô thị văn minh trên thế giới, rồi từng bước đầu tư hệ thống MRT ở các đô thị lớn, chính quyền đã đẩy trách nhiệm lo phương tiện đi lại ở các đô thị cho người dân tự lo, bằng tiền túi của mình, bằng cả rủi ro tính mạng của mình. Xe máy là lựa chọn tất yếu của đại đa số gia đình. Chỉ một ít gia đình giàu mới có ô tô con.

Công bằng mà nói, đó không phải sai lầm, thất bại riêng của các thành phố lớn nước ta, mà là tình trạng chung của các thành phố lớn châu Á, nơi tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Chỉ có một số ít thành phố châu Á tránh được “xe máy hóa” nhờ làm tốt quy hoạch đô thị và phát triển mạnh giao thông công cộng.

Các thành phố lớn khác ở châu Á, theo tác giả Lương Hoài Nam đánh giá, đều lâm vào tình trạng giống Hà Nội, TP.HCM và đang đau đầu giải quyết hậu quả. Có những nơi giải quyết khá thành công, chủ yếu là các thành phố ở Trung Quốc, với biện pháp triệt để cấm xe máy, với lộ trình trên dưới 15 năm. Có nhiều nơi loay hoay mãi chưa ra, như Bangkok, Jakarta, Manila…

img

Xe máy được cho là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Từ nhận xét này, tôi cho rằng, việc chỉ đề ra kế hoạch cấm xe máy trong nội thành Hà Nội rồi đây liệu có hệ luỵ gì khác không? 

Tôi e rằng không thể không có. 

Liệu sẽ có phong trào mua ô tô ồ ạt trong dân hay không? Có đấy! Vì phương tiện tiện lợi, phù hợp với người dân là xe máy nay đã mất. Họ, dù thu nhập còn hơi thấp, không có đủ tiền cũng sẽ cố mua ô tô để lo đi lại. Sẽ là tai hại cho người thu nhập thấp, lương chưa khá gì mà phải rước thứ “tàu há mồm” kia về chỉ để cho gia đình có phương tiện đi lại. 

Rồi khi thấy có xu hướng mua xe ô tô đi lại thay xe máy, nhà phân phối sẽ cho mua xe trả góp như nhiều quốc gia. Vậy thì tình trạng quá tải phương tiện cơ giới tham gia giao thông lúc này sẽ ra sao? Tôi nghĩ nó sẽ phát triển cực nhanh, nhanh như vũ bão và tắc đường là đương nhiên, nhất là thuế tiêu thụ xe ô tô sẽ giảm.

Rõ ràng, việc mua ô tô chưa phải đã phù hợp với số người bị mất phương tiện đi làm nói trên lắm, nhưng họ cố sắm cho được ô tô. Như thế, đường phố Hà Nội sẽ càng ùn tắc hơn trăm lần, bởi lẽ 1 chiếc ô tô chiếm chỗ gấp 10 lần xe máy khi đỗ và gấp 20 lần khi di chuyển ở tốc độ 30km/h. Tôi nghĩ, dù cho cách bố trí xe đi làm, đưa con đi học... của người dân khi đó sẽ đông người ngồi hơn, nhưng tỷ lệ choán diện tích đường của xe ô tô vẫn cứ tốn hơn. 

Đó là tôi chưa bàn đến giao thông tĩnh, đến bãi đỗ xe khi cả Hà Nội tăng đột biến xe 4 bánh.

Liệu có khả năng họ sẽ tranh thủ mua thật nhanh dù phải đi vay tiền, để phòng khi vào “một ngày đẹp trời”, HĐND TP. Hà Nội bị giật mình vì xe 4 bánh đăng ký đột biến, rồi lại họp, lại công bố dừng đăng ký xe 4 bánh vì... quá tải?

img

Một số tuyến đường Hà Nội thường ùn tắc vào giờ cao điểm, lượng ô tô đông không kém xe máy.

Tôi đánh giá cao việc chính quyền và HĐND TP. Hà Nội đã bàn và tính toán có trách nhiệm việc công bố giá vé tàu điện trên cao phù hợp với thu nhập của người dân, và khuyến khích mua vé tháng để còn rẻ hơn nữa. Song, có lẽ ngay từ lúc này, Hà Nội cần khẩn trương lo những bãi để xe đạp, xe máy cho người đi tàu điện trên cao. Tiếp đó, khi cấm  xe máy thì cần rất nhiều xe đạp trang bị cho mỗi bến tàu, đủ cho người đi tàu khi xuống bến sẽ có phương tiện đi tiếp đến công sở, trường học...

Nếu không làm tốt mảng “hậu cần tại chỗ” này thì tàu điện trên cao sẽ rất ít người đi vì tiện ích chưa cao. Nên nhớ, tâm lý rèn luyện sức khoẻ bằng cách đi bộ vài cây số của dân mình cực thấp, nếu không nói là rất kém. 

Nếu ai đó đã qua Nhật Bản và tinh ý sẽ thấy người dân Nhật hàng ngày đi bộ như... tên bắn. Họ quen vậy từ lâu rồi nên cũng không cần quá nhiều xe đạp thuê tại các bến tàu, xe buýt để đi tiếp. Điều này, về lâu dài chúng ta nên học họ, vừa đỡ tốn thêm tiền thuê xe đạp, lại vừa có cơ hội tập thể thao bằng đi bộ hàng ngày, rất có lợi cho sức khoẻ.

Việc cấm xe máy nhưng chưa có lộ trình cấm xe ô tô hoạt động trong nội thành Hà Nội, theo tôi chưa công bằng là vì thế. Đành rằng chúng ta rất cần một cuộc đại phẫu. Và trong cái đại gian nan ấy, cũng cần có sự hy sinh cá nhân để được cái đại cục. Để giao thông công cộng có thể phát triển được, có lẽ những gì có nhiều lợi ích chung, mang tính công cộng cao thì cố gắng để được ưu tiên. Ngược lại, những gì mang tính cá nhân thì đành phải chịu hy sinh trước.

Vấn đề là cách làm phải sao đó để người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy (được coi là đối tượng có thu nhập không cao trong xã hội) đỡ gặp quá nhiều khó khăn. Phải thật tiện ích để giúp họ vượt khó một cách vui vẻ nhất (có thể), dù họ cũng phải thông cảm cho cái chung, hy sinh vì cái chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem