Căn bệnh dễ lây

Hải Phong Thứ tư, ngày 17/09/2014 05:11 AM (GMT+7)
“Sao tội phạm tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?”- câu hỏi của Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương lại càng khiến dư luận thêm bức xúc, dù nó chẳng phải chuyện gì mới mẻ.
Bình luận 0

Ông Đỗ Văn Đương đưa ra băn khoăn như vậy hoàn toàn hợp lý bởi trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp đối tượng bị truy tố về tội tham ô, tham nhũng bỗng nhiên dở chứng “tâm thần” để rồi được miễn trách nhiệm hình sự “một cách ngoạn mục”. Như gần đây, bị cáo Trần Thị Thật – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang – sau khi bị truy tố về tội tham ô với vai trò chủ mưu, khá trớ trêu, lại được phát hiện “bị trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần”. Vì thế, ngày 19.6.2014, TAND Tiền Giang đã có quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo (?). Hay trước đó, như Báo NTNN đã đưa tin (tháng 1.2013), nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4 kiêm Giám đốc Chi nhánh Miền Trung và là Giám đốc Ban điều hành công trình Thủy điện Sông Tranh 2 Trần Đức Mậu, chỉ một ngày trước khi bị pháp luật “sờ gáy” bỗng dưng bị... tâm thần khiến vụ án kéo dài hơn 2 năm mà không thể đem ra xét xử.

Trong khi đó, nhiều báo cáo của Chính phủ luôn khẳng định: “Tham nhũng có thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”.

Có sự mâu thuẫn nào trong hai ý trên? Hay đó chính là hệ quả tất yếu của “thủ đoạn tinh vi”, khi những tội phạm có trình độ học thức có thể giả điên thuần thục để thoát tội. Và như một thứ bệnh dịch dễ lây, các quan tham cứ thi nhau tâm thần một cách “khó hiểu” ngay trước mắt các cơ quan tư pháp.

Mà cứ cho là họ bị tâm thần thật thì lại có câu hỏi lớn trong vấn đề quy hoạch nhân sự: Tội phạm tham nhũng toàn cán bộ đảng viên có chức quyền, giữ những cương vị quan trọng trong cơ quan, đơn vị. Chẳng lẽ khi chuẩn bị đề bạt họ vào vị trí trọng yếu đó, cả cấp trên lẫn cấp dưới không nhận ra họ có vấn đề về sức khỏe tâm thần?

Rõ ràng ở đây, công tác giám định tư pháp đang có lỗ hổng lớn và bị lợi dụng triệt để. Trên thực tế, tình trạng làm giả hoặc mua bán giấy chứng nhận tâm thần tại một số BV tâm thần ở địa phương và ngay cả BV cấp T.Ư cũng đã được nhiều tờ báo phanh phui.

Chính vì thế, đại diện Viện KSND và Bộ Công an đề nghị phải sớm thay đổi cách thức, cơ chế, tổ chức về giám định tư pháp. Một cách thẳng thắn, ông Đỗ Văn Đương đề xuất không cần thiết phải giám định tâm thần đối với tội phạm tham nhũng. Bởi thật khó tin khi những người mới hôm trước còn đạo mạo mũ cao áo dài, phát biểu chỉ đạo cấp dưới làm thế này thế nọ thì ngay hôm sau đã ngây ngây ngô ngô, mất kiểm soát hành vi, năng lực khi bị pháp luật sờ tới.

Trong khi chờ luật pháp điều chỉnh để lấp những lỗ hổng chết người, có lẽ nền y học nước nhà đành phải chấp nhận sự thật: Bệnh tâm thần là một căn bệnh dễ lây nhất trong giới tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, mà chẳng cần có một cơ chế lây lan nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem