Cát biển chưa được sử dụng làm cao tốc Bắc - Nam, tại sao lúa chết ở Hậu Giang?

Thế Anh Thứ bảy, ngày 15/06/2024 18:01 PM (GMT+7)
Đại diện Bộ GTVT cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.
Bình luận 0

Cát biển làm đường cao tốc đang được thí điểm

Những ngày qua, các thông tin phản ánh về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam dẫn đến lúa Đông Xuân 2023 - 2024 và Hè Thu 2024 ở tỉnh Hậu Giang bị chết đang được dư luận quan tâm.

Để làm rõ "Có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang?", Bộ NNPTNT cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá ảnh hưởng của sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam đối với lúa Đông Xuân 2023 - 2024 và Hè Thu 2024.

Cát biển chưa được sử dụng làm cao tốc Bắc - Nam, tại sao lúa chết ở Hậu Giang?- Ảnh 1.

Lúa chết tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, cho đến nay, việc sử dụng cát biển làm đường giao thông mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm, các địa phương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cấp phép khai thác cát biển làm cao tốc, do vướng các thủ tục, quy định của pháp luật.

Trên thực tế, việc sử dụng cát biển làm đường giao thông mới đang được thí điểm trên đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Cụ thể, tại kết luận được Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 225/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kết quả khảo sát nắm tình hình và làm việc với các Bộ, địa phương về bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương: Lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án theo tiến độ cụ thể.

Qua đó, đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông, từ các mỏ hiện hữu đang khai thác, khả năng nâng công suất và từ mở các mỏ mới; Từ việc tận dụng cát từ hoạt động nạo vét (lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông); trong đó phải tính đúng, tính đủ, đánh giá chính xác khả năng khai thác thực tế, không tính toán theo trữ lượng.

Trên cơ sở đó, đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm giải quyết của từng tập thể, cá nhân (ở trung ương, địa phương).

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ… hỗ trợ, hướng dẫn UBND tỉnh Sóc Trăng và các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan trong quá trình khai thác cát biển; chủ động giải quyết theo thẩm quyền đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động khai thác cát biển theo quy định của pháp luật.

Cát biển chưa được sử dụng làm cao tốc Bắc - Nam, tại sao lúa chết ở Hậu Giang?- Ảnh 2.

Đoạn thi công thử nghiệm đắp cát biển nền đường hoàn trả ĐT 978. Ảnh: Báo Nhân Dân

Cho đến, UBND tỉnh Sóc Trăng vẫn đang loay hoay tìm các giải pháp để tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác cát biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, theo văn bản trả lời mới nhất của Bộ TNMT, tỉnh Sóc Trăng đã có cơ sở cho khai thác cát biển làm đường cao tốc.

Theo ông Lâu, trước đây, Sóc Trăng lấn cấn về việc không có thẩm quyền cho khai thác cát biển vùng biển ngoài phạm vi 6 hải lý. Tuy nhiên, Bộ TNMT đã có văn bản nêu rõ theo Điều 82 của Luật Khoáng sản thì tỉnh Sóc Trăng có thể cho các nhà thầu thăm dò, khai thác, cấp phép khai thác cát biển trong và ngoài 6 hải lý.

Trên cơ sở văn bản của Bộ TNMT, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp nhận đơn yêu cầu của các nhà thầu có dự án cao tốc nằm trong 21 gói thầu theo Nghị quyết 106 của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Sau đó, Sóc Trăng sẽ xác định khối lượng, tọa độ rồi đề nghị Bộ TNMT giao vùng biển cho tỉnh. Từ đó, tỉnh sẽ cấp quyền khai thác cát biển cho nhà thầu.

"Sóc Trăng đang thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ của các nhà thầu" - ông Lâu thông tin thêm với PV Báo Dân Việt.

Như vậy, có thể thấy cho đến nay, các dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa được cấp phép sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Vậy có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang, cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ.

Cát biển làm cao tốc dẫn tới lúa chết là thiếu cơ sở

Trao đổi với PV Dân Việt về việc sử dụng cát biển làm cao tốc trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các thông tin phản ánh tình trạng một số hộ dân tại Ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, có diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng làm giảm năng suất lúa do Dự án cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn, đại điện Bộ GTVT khẳng định: "Cho đến nay, các dự án cao tốc Bắc - Nam và dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông".

"Các thông tin phản ánh về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam dẫn đến lúa Đông Xuân 2023 - 2024 và Hè Thu 2024 ở tỉnh Hậu Giang là thiếu cơ sở", đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Nói rõ hơn về nguồn vật liệu, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh: "Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.

"Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan", đại diện Bộ GTVT nói.

Về việc kiểm soát nguồn vật liệu, vị này cho biết, các đơn vị của địa phương đã kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác.

Cùng với đó, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn; khi đưa cát về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận; công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất. Ngoài ra còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ…

"Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh

Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác để thi công các đoạn tuyến tại các khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm và dự kiến cuối tháng 6/2024 mới có thể bắt đầu khai thác.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem