Cải cách tiền lương: Liệu có chậm tăng lương từ 1/7?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 11/06/2024 10:08 AM (GMT+7)
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa tới hạn thực hiện cải cách tiền lương nhưng Chính phủ chưa ban hành thông tư hướng dẫn. Nhiều khả năng sẽ chậm tăng lương từ 1/7 tới đây.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  lo chậm tăng lương từ 1/7

Thời điểm cải cách tiền lương, tăng lương cận kề, nhưng tới nay công chức, viên chức, người lao động vẫn chưa thấy các đơn vị, cơ quan có thông báo gì. Nhiều người lo lắng liệu có khả năng chậm tăng lương từ 1/7 tới đây không?

Chị Nguyễn Thị Hà - Công chức phường tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, chỉ còn ít ngày nữa là tới thời điểm cải cách tiền lương (1/7), vậy mà tới nay vẫn chưa thấy cơ quan chị ra thông báo mức lương mới.

Cải cách tiền lương: Liệu có chậm tăng lương từ 1/7?- Ảnh 1.

Công chức, viên chức, người lao động đang lo chậm tăng lương từ 1/7. Ảnh: Nguyễn Dũng

"Chúng tôi đang rất sốt ruột, không biết mức lương mới tăng thế nào, cao hay thấp? Chúng tôi có hỏi lãnh đạo đơn vị nhưng họ nói chưa biết cụ thể vì chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện. Liệu có chậm tăng lương từ 1/7 không", chị Hà đặt câu hỏi.

Không riêng chị Hà, nhiều viên chức làm đơn vị sự nghiệp hành chính tự chủ 100% rất lo lắng vì nghe nói, việc tăng lương khi cải cách tiền lương phụ thuộc nhiều vào ngân sách của đơn vị.

Không chỉ viên chức, người lao động mong chờ tăng lương, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cũng lúng túng chưa biết phương án triển khai lương mới. Ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh chia sẻ: "Các đơn vị tự chủ tài chính như chúng tôi lo nhất, bởi theo thay đổi cơ chế tiền lương, ngân sách nhà nước sẽ không cấp bổ sung, vậy không rõ sẽ được tính như thế nào, phê duyệt ra sao? Bộ Nội vụ cần thông tin sớm cho các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác".

Cải cách tiền lương: Chậm tăng lương từ 1/7/2024, người lao động có được truy lĩnh?

Chia sẻ với báo chí, mới đây ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho hay, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị các nội dung cơ bản của cải cách tiền lương. Dự kiến trung tuần tháng 6, Bộ Nội vụ sẽ công bố thông tin cải cách tiền lương từ 1/7.

Dành 680.000 tỉ đồng để tăng lương

Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.

Để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỉ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỉ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.

Ông Minh cho biết, để thực hiện cải cách tiền lương, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng các hệ thống thang bảng lương mới, gồm: bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, có 9 nhóm phụ cấp theo chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng, gồm: phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.

Nghị quyết 27 quy định cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Cạnh đó, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Cải cách tiền lương: Liệu có chậm tăng lương từ 1/7?- Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng không thể lùi cải cải tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức. Nếu chưa thể thực hiện luôn thì có thể chờ văn bản hướng dẫn sau đó cho lao động truy lĩnh. Ảnh: N.T

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, sau khi tiến hành cải cách tiền lương, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng lương, bình quân mỗi năm khoảng 7%.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Tuy đặt ra mục tiêu cụ thể, nhưng nhiều khả năng kế hoạch cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây sẽ chưa thể làm luôn và như vậy chậm tăng lương từ 1/7 là có thể xảy ra.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Chắc chắn sẽ phải tăng lương cho công chức, viên chức, không thể lùi lại. Tuy nhiên, đối với các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tự chủ một phần sẽ cần phải tính toán lại cho phù hợp. Với các đơn vị đang gặp khó khăn, trước mắt có thể tạm thời tính theo mức cũ, tức là lương mới sẽ không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương, chờ khi có văn bản hướng dẫn sẽ điều chỉnh và truy lĩnh".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem