Theo đó, Bộ NNPTNT chỉ giới hạn diện tích trồng mắc ca ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên là 9.940ha cho đến năm 2020. Trong đó, vùng trồng thuần tập trung là 2.350ha, còn lại 7.590ha là trồng xen. Về tiềm năng đến năm 2030, Bộ NNPTNT cũng nêu quan điểm, diện tích tối đa là 34.500ha, trong đó có 7.000ha trồng thuần.
Riêng vùng Tây Bắc được quy hoạch trồng thuần 1.800ha tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; Tây Nguyên có 550ha tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk. Ngoài ra, 2 tỉnh Hòa Bình và Lâm Đồng được quy hoạch các diện tích trồng xen.
Về cơ sở chế biến, trước mắt Bộ NNPTNT chỉ quy hoạch 12 cơ sở, trong đó Tây Bắc 6 cơ sở, Tây Nguyên 6 cơ sở; còn lại sau năm 2020 mới tiếp tục xem xét bổ sung.
Theo Bộ NNPTNT, mắc ca là cây trồng mới ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu về chọn giống, khả năng thích nghi, kỹ thuật thâm canh, thu hoạch, bảo quản và chế biến đang hoàn thiện; thị trường tiêu thụ cần hình thành, phát triển từng bước vững chắc để khẳng định hiệu quả kinh tế- xã hội.
Cũng theo Bộ NNPTNT, quy hoạch mắc ca này dựa trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên, kinh tế- xã hội của từng vùng. Phát triển mắc ca phải gắn với tạo vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ mới từ khâu sản xuất giống đến gây trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Như vậy, so với giai đoạn phát triển nóng trước đây, có thể nói diện tích mắc ca được Bộ NNPTNT quy hoạch thấp hơn rất nhiều so với diện tích 200.000ha theo kế hoạch đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đã phát triển nóng, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhân giống và bán giống không kiểm soát cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.