Chuyện "Người" ở làng văn hóa

Hà Nguyên Huyến Thứ bảy, ngày 01/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Ngày 28/11/2005, Bộ Văn hóa – Thông tin ký quyết định công nhận: "Làng Việt cổ Đường Lâm – Di tích kiến trúc nghệ thuật".
Bình luận 0

Đường Lâm là đơn vị hành chính cấp xã, trong xã Đường Lâm có 9 làng, Mông Phụ là một trong số đó. Làng Mông Phụ được thành phố Hà Nội quy hoạch là vùng "lõi" của di tích để bảo tồn…

Kể chuyện làng: Chuyện "Người" ở làng văn hóa - Ảnh 1.

Đình Mông Phụ

Làng Mông Phụ là một cộng đồng cư dân nông nghiệp có lịch sử lâu đời. Niên đại xây dựng đình Mông Phụ khẳng định: Đình được xây dựng từ đời Lê (Lê Vĩnh Tộ)! Trải mấy trăm năm tồn tại và phát triển, làng Mông Phụ sản sinh ra những người con làm rạng danh non sông đất nước như: Thám Hoa Giang Văn Minh, Phan Kế Toại… Tiếp nối truyền thống đó, cho đến tận ngày hôm nay, làng Mông Phụ vẫn được coi là một làng tiêu biểu của xứ Đoài nói riêng và cả nước nói chung

Ấy vậy mà khi bình bầu, xét duyệt danh hiệu "Làng văn hóa", làng Mông Phụ mãi không đạt được danh hiệu này. Nguyên nhân chính là trong làng vẫn còn những thanh niên dính vào nghiện hút, cờ bạc… Các anh lãnh đạo xã "cay" lắm, dân làng Mông Phụ như bị chạm vào… tự ái!

Mấy năm sau, không phát hiện ra người nghiện ngập. Chính quyền làng Mông Phụ khấp khởi mừng thầm, phen này "Danh hiệu làng văn hóa" không thể "trệu" được nữa! Trước khi đệ đơn xin công nhận, "làng" rà soát lại một lần nữa cho chắc ăn. Thật không may, trong làng vẫn còn một ngôi nhà tranh. Nếu trong làng còn nhà tranh cũng không là "Làng văn hóa". Đây là một trong số những tiêu chí quan trọng để có được danh hiệu này.

Kể chuyện làng: Chuyện "Người" ở làng văn hóa - Ảnh 2.

Giếng Đình

Ngôi nhà tranh duy nhất là nhà của cụ Diệc. Trong làng có người gọi là cụ Cai Diệc, có người gọi là cụ Cửu Diệc. Gọi thế nào cũng đúng. Nếu là cụ Cai Diệc là dùng để chỉ khi còn tráng niên cụ Cai Diệc đi theo cụ Phan Kế Toại (lúc này là Khâm sai đại thần), là người luôn bên cạnh cụ Toại kể cả lúc ăn, lúc ngủ (mặc dù cụ Phan Kế Toại có một đại đội lính cơ hộ vệ). Gọi là cụ Cửu Diệc cũng đúng. Chắc vì đi theo cụ Toại cả đời, cụ Toại lo lúc già, cụ Diệc không có "ngôi, món" gì với làng nên đã "vọng" (mua) cho cụ Diệc một hư hàm là "tòng cửu phẩm văn giai" (tòng cửu phẩm là phẩm hàm thấp nhất, đứng sau chánh cửu phẩm trong quy định của nhà Nguyễn).

Cách mạng bùng nổ, cụ Toại nhận được thư mời của cụ Hồ lên chiến khu tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cũng từ ngày ấy (1945) cụ Diệc về làng Mông Phụ sống cho đến cuối đời. Dân làng Mông Phụ bảo: Năm "cải cách ruộng đất" (1954 – 1955), mấy anh "đội" đã bắt và dọa nạt cụ Diệc, bắt cụ khai ra nơi có căn hầm giấu của nhà cụ Toại…

Cụ Diệc đem 4 người con (3 trai, 1 gái) về làng. Cũng may tiên tổ còn để lại cho mảnh đất gần chục thước Bắc bộ ở xóm Hè trong làng Mông Phụ. Gia đình cụ đóng gạch đất bùn ao, xây một ngôi nhà mái lợp tranh. Dân làng Mông Phụ kháo nhau: Cụ Diệc giấu của giả nghèo, bao nhiêu năm đi theo cụ Khâm (Khâm sai đại thần Phan Kế Toại) chẳng lẽ lại thế! Trong kháng chiến chống Mỹ, hai người con cụ Diệc tham gia quân đội. Cụ sống với người con lớn tên là Nghĩa, theo vai vế trong họ, tôi gọi là chú Nghĩa.

Chú Nghĩa sống hiền lành tử tế, suốt cả đời chú làm ruộng cho hợp tác xã. Bắt đầu vào cấp III, mỗi kỳ nghỉ hè (3 tháng) chú Nghĩa dạy tôi cày bừa. Một hôm tôi bảo: Bừa đơn cho nhanh để lấy điểm chú ạ, các nhóm đều làm thế cả… Chú Nghĩa không nghe, đến bừa một lượt đơn một lượt kép chú cũng không chịu. Chú Nghĩa bảo: Làm dối, nói dối, sống dối… nó hư người ra! Cứ thế, chú là người tụt lại so với các gia đình trong làng, trong tổ sản xuất. Lúc này tôi mới thấy ý của câu ngạn ngữ được ra đời trong thời gian này: Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm!

Cho đến hôm nay, cụ Cửu Diệc mất đã lâu rồi, gia đình chú Nghĩa là nhà duy nhất trong làng Mông Phụ ở nhà tranh. Có lẽ đến lúc này dân làng Mông Phụ mới hiểu, đi theo cụ Toại gần như cả đời nhưng tài sản của cụ Diệc không có gì… Trước sự thể ấy, các tổ đoàn thể trong làng bàn nhau: Lấy tiền công quỹ, mua tấm lợp xi măng "túp" lên là có danh hiệu thôi, khó gì! Tổ trưởng các tổ đoàn thể đến vận động, có ai ngờ nói thế nào chú Nghĩa cũng không nhận. Nói mãi chú cũng chỉ thưa lại: Tôi xin cảm ơn làng, Tôi rất xấu hổ vì hoàn cảnh nhưng không thể nhận thế được. Cả đời tôi có đóng góp gì được cho làng đâu!

Làng tôi lại trượt danh hiệu làng văn hóa năm ấy!

Kể chuyện làng: Chuyện "Người" ở làng văn hóa - Ảnh 3.

Một góc làng cổ Mông Phụ

Ra khỏi nhà chú Nghĩa, có người trong tổ đoàn thể bực bõ: Làng ta sao lại nảy nòi ra cái ông… vô văn hóa thế. Ông không biết rằng, cá nhân ông là vật cản phong trào "văn hóa" của làng!

Tôi cứ suy nghĩ mãi câu nói này. Trong tôi, ranh giới về khái niệm văn hóa không làm sao minh định được. Bên cho tự nhận là hành vi văn hóa. Bên kiên quyết không nhận vì thấy xấu hổ. Mình cũng như mọi thành viên trong cộng đồng sao lại cứ nghèo mãi… Hình như cái áo "danh hiệu làng văn hóa" về hình thức thì đẹp nhưng lại không vừa với cái "văn hóa làng" có tự ngàn xưa…

Cho đến nay, con cháu chú Nghĩa đã phương trưởng, đã làm được "nhà cao cửa rộng". Mỗi lần đi qua nhà chú Nghĩa, lòng tôi lại bồi hồi nhớ mẹ. Sinh thời, mẹ tôi thường răn dạy con cái: Lạy trời cho khỏe mạnh, nếu mà nghèo đói là tự các con đấy. Rồi mẹ kể: Năm 1945, đứng trước một nạn đói khủng khiếp, bố tôi đi làm ngoài Hải Phòng. Trong nhà chỉ có mẹ và hai người em chồng đang ở tuổi vị thành niên. Nghe thấy tiếng mõ ngoài đình gọi "phát chẩn" cứu đói, mẹ tôi đóng cổng không cho ai ra nhận. Cũng may năm đó nhà trồng được hai sào bí đỏ cho rất nhiều quả. Cả nhà tôi cháo bí cầm hơi cả tháng trời, nhường lại phần mình cho những gia đình khác khó khăn hơn… Chúng tôi coi những lời răn dạy đó như một bài học sâu sắc. Phải chăng đó là văn hóa!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem