Trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, cộng đồng mạng Việt Nam đang đồng loạt kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang H&M sau thông tin hãng thời trang này thay đổi bản đồ online và có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò".
Trên fanpage chính thức của H&M Việt Nam, dưới mỗi bài đăng của thương hiệu này là hàng chục nghìn lượt "phẫn nộ" và bình luận phản đối trước động thái mới nhất của H&M liên quan việc thay đổi bản đồ online, có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp ở biển Đông mà Việt Nam bác bỏ.
Cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay H&M. Ảnh chụp màn hình.
Ngoài phẫn nộ, cộng đồng mạng cũng đồng loạt kêu gọi tẩy chay H&M, tẩy chay các sản phảm của H&M tại Việt Nam.
Dưới bài viết có nội dung "Cùng H&M tiếp tục hành trình hướng đến thời trang bền vững tại Việt Nam" đăng ngày 29/3, tính đến trưa 3/4, có tổng cộng 60.000 lượt phẫn nộ cùng hàng chục nghìn bình luận phản đối bản đồ online có "đường lưỡi bò" của H&M.
"Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái, đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền", tài khoản Tuan Phi Luong bình luận.
Tài khoản Phạm Tuấn Dũng khẳng định: "Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam, một tấc đất cũng không thể thiếu".
Không chỉ phẫn nộ trên mạng xã hội, nhiều người còn rất bức xúc và kêu gọi bạn bè tẩy chay thương hiệu này vì kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Hàng loạt người yêu cầu H&M phải giải trình về vấn đề này và khẳng định: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".
Làn sóng cộng đồng mạng phẫn nộ và đòi tẩy chay H&M vẫn chưa dừng lại.
Theo AP, cơ quan quản lý Trung Quốc hôm 2/4 thông báo, website của thương hiệu thời trang H&M đã đồng ý thay đổi "bản đồ có vấn đề" sau khi người dùng mạng Trung Quốc phát hiện H&M đăng tải bản đồ mà theo họ là "không hiển thị đúng về lãnh thổ Trung Quốc".
Cũng theo AP, trong thông báo, chính quyền thành phố Thượng Hải không nêu ra các chi tiết cụ thể, nhưng các thương hiệu bị áp lực phải thay đổi một số điều, trong đó có các khu vực nhạy cảm khác mô tả trên web của họ. Phía H&M chưa đưa ra phản hồi gì thêm.
Trước đó, H&M chịu sức ép bị tẩy chay tại Trung Quốc sau những căng thẳng gần đây giữa quốc gia này và phương Tây liên quan vấn đề tại khu tự trị Tân Cương. Sau đó, vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc, thậm chí, một số cửa hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.