Đại biểu Quốc hội: Đề xuất hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hoá là "quá lớn", phải có trách nhiệm với từng đồng

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 19/06/2024 13:22 PM (GMT+7)
Sáng 19/6, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Bình luận 0

Với đề xuất dành 256.250 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhiều đại biểu cho rằng đây là một con số "quá lớn".

Chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá, tổng mức đầu tư chương trình Chính phủ đưa ra là rất lớn so với thực lực ngân sách. Tổng mức đầu tư này lớn hơn gấp 14 lần so với số thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2020.

Đại biểu Quốc hội: Đề xuất hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hoá là "quá lớn", phải có trách nhiệm với từng đồng- Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Media Quốc hội

Cạnh đó, theo bà Mai, cơ sở pháp lý, thực tiễn cho tổng mức đầu tư của chương trình cũng chưa đầy đủ. Bà cho hay, hiện vẫn chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, chưa có tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất con số hơn 256.000 tỷ đồng của chương trình là chưa phù hợp với luật Đầu tư công.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tờ trình có nêu căn cứ đề xuất tổng mức đầu tư là báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước. Tuy nhiên, chính Hội đồng thẩm định nhà nước đã khẳng định là "chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030. Tiếp đó, tại Báo cáo số 624, Kiểm toán nhà nước cũng nêu rất rõ là "chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn".

Bà Mai cũng cho rằng, việc chương trình dự kiến một số nguồn vốn huy động như tăng thu ngân sách 2022, thu từ xổ số kiến thiết hay tiền sử dụng đất là không có cơ sở, trái luật Ngân sách. Vì vậy, cần rà soát thận trọng, thu hẹp mục tiêu và trên cơ sở đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn thì đưa ra một con số phù hợp, đảm bảo hài hòa và công bằng với các mục tiêu bức thiết khác.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhận định, tỷ lệ 24% trong tổng ngân sách của trung ương ở địa phương để đầu tư trên lĩnh vực văn hoá là "rất cao".

Đại biểu Quốc hội: Đề xuất hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hoá là "quá lớn", phải có trách nhiệm với từng đồng- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Media Quốc hội

Theo ông Hoà, hiện nay rất nhiều địa phương thu ngân sách rất thấp và còn hưởng nhiều trợ cấp của trung ương. Nếu địa phương đối ứng để đầu tư trên lĩnh vực này thì sẽ cắt một số nguồn đầu tư cho các lĩnh vực khác. Hiện nay, nhiều ngân sách của trung ương đầu tư, ngân sách địa phương đều có đối ứng, không phải chỉ có lĩnh vực văn hóa mà còn có y tế, giáo dục.

"Tôi nghĩ rằng khả năng cân đối và nguồn lực của địa phương sẽ bị chi phối, cho nên tôi đề nghị nên xem xét lại phân bổ cho địa phương để địa phương có đủ điều kiện", ông Hoà nêu quan điểm.

Cần có trách nhiệm với từng đồng tiền Quốc hội bỏ ra

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư hơn 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn tới năm 2035, tương đương gần 11 tỷ USD. Bình quân chi cho một chương trình là khoảng 1 tỷ USD/năm. 

Ông Huân tính toán, nếu tính trên tổng GDP 420 tỷ USD Việt Nam hiện nay, số chi 1 tỷ USD là khá lớn, nhưng vào giai đoạn 2035, GDP có thể 800-900 tỷ USD thì số chi 1 tỷ USD lại là nhỏ. 

Đại biểu Quốc hội: Đề xuất hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hoá là "quá lớn", phải có trách nhiệm với từng đồng- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Media Quốc hội

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, vấn đề là căn cứ xác định tổng mức đầu tư của chương trình không tương thích với 10 thành phần chương trình. Cơ sở để Chính phủ khái toán chủ yếu tham chiếu từ các hạng mục công việc thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020 trong khi giá cả thị trường, quy mô nền kinh tế liên tục thay đổi.

"Vì vậy, tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này", ông Huân nêu.

Đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị cần rà soát 10 thành phần chương trình để bao trùm hết mục tiêu và hướng tới giá trị cốt lõi, sau đó khái toán chi phí từng năm được quy ra phần trăm GDP theo dự báo chiến lược kinh tế từng thời kỳ.

"Quốc hội sẽ duyệt chi cho chương trình theo tỷ lệ GDP hàng năm còn các hạng mục cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định cụ thể tùy theo tình hình thực tế", ông Huân kiến nghị.

Đồng tình với đại biểu Huân, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, rất khó để quyết định tổng mức đầu tư. 

"Tại sao chúng ta lại có một tổng mức là hơn 256.000 tỷ đồng và chia cho các giai đoạn này, cụ thể căn cứ vào đâu thì phải đề nghị làm rõ", ông An nói.

Đại biểu Quốc hội: Đề xuất hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hoá là "quá lớn", phải có trách nhiệm với từng đồng- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An. Ảnh: Media Quốc hội

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, văn hoá không chỉ cho 5 năm hay 10 năm mà nó còn cho sự phát triển trường tồn của đất nước và dân tộc. Chính vì vậy, nội dung này hết sức quan trọng cần phải được đánh giá và nghiên cứu thật kỹ lưỡng.

Đại biểu An cũng cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có vốn rất lớn, chỉ sau chương trình tổng thể về Nghị quyết 43. 

"Cho nên, chúng ta đã quyết định nguồn vốn như thế này là nó phải hết sức phù hợp và phải có trách nhiệm với từng đồng tiền một mà Quốc hội bỏ ra", ông An nhấn mạnh.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem