ĐBQH Dương Trung Quốc: Liệu hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ có phải "quả bom" nổ chậm gài trong rừng sâu?

PVCT Thứ hai, ngày 02/11/2020 11:13 AM (GMT+7)
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), vấn đề thủy điện vừa và nhỏ hiện nay vẫn chưa ngã ngũ là có lợi hay không có lợi. Báo cáo của Chính phủ liên quan đến thủy điện có trước khi xảy ra sự cố lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung.
Bình luận 0

Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế -xã hội. Phát biểu tại tổ Đồng Nai, Phú Thọ và Bình Định, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, vấn đề liên quan đến thủy điện và thảm họa thiên tai xảy ra ở các tỉnh miền Trung đang là vấn đề được Quốc hội và dư luận quan tâm.

Theo ĐB Quốc, trên phương tiện truyền thông có ý kiến cho rằng việc xây dựng hệ thống thủy điện cùng với việc phá rừng, chế độ sử dụng nước, xả nước ở thời kỳ lũ là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm thảm họa như vừa qua. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy có nhà khoa học lên tiếng cho rằng không phải thủy điện là tác nhân gây lũ lụt ở miền Trung.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Liệu hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ có là "quả bom" nổ chậm gài trong rừng sâu? - Ảnh 1.

ĐBQH Dương Trung Quốc (ảnh Đ.D).

"Đây đúng là điều chưa rõ ràng, với tình trạng sắp tới khi khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt, việc khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung không dễ trong thời gian ngắn, thảm họa vẫn có thể xảy ra.

Về mặt khoa học Chính phủ nên làm rõ việc này, chúng ta hoạch định để phát triển nguồn năng lượng, nhưng tính toán cái lợi, cái thiệt. Thực tế rõ ràng là thảm họa vừa qua rất lớn", ĐBQH Dương Trung Quốc nói.

Vẫn theo ĐBQH Dương Trung Quốc, ông với tư cách người làm công tác lịch sử còn điều băn khoăn nữa, trước đây ông đặt ra nhưng chưa có ai trả lời. "Chúng ta có hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa, phần lớn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý. Vị trí của các thủy điện này đều nằm ở rừng sâu, núi thẳm. Giả sử sau vài chục năm, thủy điện đó hết hiệu quả kinh tế, hết khấu hao…thì ai sẽ quản lý. Liệu nó có là những "quả bom" nổ chậm gài trong rừng sâu không? Vấn đề môi trường thế nào?

Chúng tôi thì coi đấy là những phế tích, nhưng nó lại nằm vị trí quan trọng ở trong dòng chảy. Nếu không bảo trì nó có thể tạo ra những thảm họa lớn. Tôi nghĩ bây giờ chúng ta phải nghĩ câu chuyện của 50 năm nữa, nếu không chúng ta để lại di sản đầy nguy hại, đầy rủi ro cho con cháu", ĐBQH Dương Trung Quốc nói và cho rằng trong báo cáo của Chính phủ chưa giải đáp được băn khoăn này của xã hội.

Sau phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc, ĐBQH Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nói cụ thể về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (đã trình Quốc hội sáng 2/11- Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường là cơ quan thẩm tra).

ĐBQH Dương Trung Quốc: Liệu hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ có là "quả bom" nổ chậm gài trong rừng sâu? - Ảnh 2.

ĐBQH Lê Hồng Tịnh (ảnh IT).

ĐB Tịnh cho biết, đối với dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), có gắn với thủy điện. Dự án này đa mục tiêu trong đó thủy lợi là chính. Việc xã hội hóa với dự án này để giảm vốn đầu tư của nhà nước cho nên để tư nhân làm phần thủy điện.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã thực hiện được 90%, nhưng khi Luật Thủy lợi ra đời quy định khi chuyển đổi rừng nên dự án phải trình Quốc hội. "Hiện nay dự án này vẫn thiếu đánh giá tác động môi trường. Đúng ra phải có đánh giá tác động môi trường trước khi trình dự án. Khi thuyết trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói phải chờ Quốc hội đồng ý cho chuyển đổi rừng thì mới Bộ mới duyệt đánh giá tác động môi trường. Cách làm như vậy là sai", ĐBQH Lê Hồng Tịnh cho hay.

Sau khi cơ quan thẩm tra có ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận và hứa là sẽ thực hiện song song.

"Như ĐBQH Dương Trung Quốc có nêu, đúng là cũng cân nhắc các mặt lợi, hại khi trình 2 dự án hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận) và Bản Mồng (Nghệ An), đặc biệt với dự án hồ chứa nước Bản Mồng nằm giáp danh giữa 2 tỉnh, đây là khu vực thiếu nước rất trầm trọng. Sau khi cân nhắc, bao giờ cũng có 2 mặt, nhưng thấy có lợi cho tưới tiêu. Hiện Nhà nước bỏ ra 90% vốn đầu tư. Để giảm bớt phần hại thì rừng phải trồng thay thế gấp 3 lần và trồng chỗ nào. Chúng tôi đã đi khảo sát và yêu cầu báo cáo rõ", ĐBQH Lê Hồng Tịnh cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem