Đề xuất là nghề nặng nhọc, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những ưu đãi gì?

Quang Dân Thứ tư, ngày 17/06/2020 14:23 PM (GMT+7)
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, nên được nghỉ hưu sớm.
Bình luận 0

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện nghỉ hưu ngày 16/6, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, đơn vị đề xuất giáo viên mầm non trong danh mục nghề được nghỉ hưu sớm.

Ông Hiểu cho rằng, giáo viên mầm non phải được coi là ngành nghề nặng nhọc, bởi "họ không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát", áp lực công việc lớn.

Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những ưu đãi gì?

Đề xuất là nghề nặng nhọc, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những ưu đãi gì? - Ảnh 1.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối nhận định, trước hết, ta xét thấy, giáo viên mầm non hiện nay ngoài việc tham gia giảng dạy cho các con với những kiến thức chuyên môn, những kỹ năng cơ bản thì họ còn phải chịu áp lực công việc rất lớn( ví dụ như thời gian trông trẻ, số lượng trẻ trong 1 lớp). 

Vì vậy kiến nghị liên quan đến việc giáo viên mầm non là ngành nghề lao động nặng nhọc là hoàn toàn hợp lý. Nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nhận được những quyền lợi khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thứ nhất, về thời giờ làm việc: Căn cứ vào điều 104 BLLĐ 2012. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thứ hai, về nghỉ phép hàng năm, căn cứ vào khoản 1 điều 111 BLLĐ2012 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Thứ ba, về khám sức khỏe, căn cứ vào khoản 1 điều 21 Luật ATVSLĐ2015: Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Thứ tư về thời gian nghỉ chế độ ốm đau căn cứ vào điểm BK1 điều 26, người lao động sẽ được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Thứ năm, về độ tuổi nghỉ hưu: Chế độ hưu trí: Người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định (Điều 187 Bộ luật Lao động 2012và khoàn 2 điều 54 luật BHXH 2014 :"Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên).

Ngoài ra còn có trường hợp đặc biệt đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương căn cứ vào khoản 2 điều 155 BLLĐ2012. Và người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại còn được hưởng các khoản trợ cấp bồi dưỡng và luôn được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân theo qu định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem