Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.
Theo luật sư Đồng, người từ 18 tuổi sẽ đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, ngoài điều kiện độ tuổi, người tham gia nghĩa vụ quân sự còn phải đáp ứng 4 điều kiện.
Đó là: Có lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ; Có trình độ văn hóa phù hợp.
Trong đó, tiêu chuẩn về sức khỏe và trình độ văn hóa được quy định tại Thông tư 148/2018/TT-BQP. Nếu đáp ứng ứng đủ cả những điều kiện trên sẽ đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, theo vị luật sư, nếu đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng đang đi du học nước ngoài thì sẽ thuộc trường hợp tạm hoãn nhập ngũ theo điểm g, khoản 1, Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Vì vậy, công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đang được đào tạo trình độ đại học hoặc trình độ cao đẳng hệ chính quy, có thể được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự mà không phân biệt cơ sở đào tạo trong nước hay ở nước ngoài.
Nhưng chỉ được xem xét hoãn từ ngày đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại trường.
Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Như vậy, nếu có giấy báo nhập học trước khi có giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, người đi du học nước ngoài phải làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại trường mới được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, để có căn cứ xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, người đi du học cần có đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự gửi cho UBND và Ban chỉ huy quân sự quận/huyện để xem xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.