Dịch vụ tài chính toàn diện cho người giúp việc

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 04/12/2020 07:28 AM (GMT+7)
Lao động di cư, trong đó có lao động giúp việc gia đình được xem là nhóm lao động yếu thế. Việc họ tiếp cận với các chính sách về an sinh - xã hội và dịch vụ tài chính gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Giúp quản lý tài chính, tăng năng suất lao động

Dự báo trước đó của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến hết năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 350.000 người lao động làm giúp việc gia đình. Chi tiêu tiền cho người giúp việc và các dịch vụ gia đình khác dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ USD. Mặc dù đây ngành kinh tế quan trọng, giao dịch trong ngành này đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng lao động làm giúp việc gia đình lại chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ an sinh cơ bản trong đó có cả dịch vụ tài chính.

Dịch vụ tài chính toàn diện cho người giúp việc  - Ảnh 1.

Lao động giúp việc gia đình sẽ có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ tài chính toàn diện (minh họa). Ảnh: I.T

Theo khảo sát của tổ chức CARE vào năm 2018 với hơn 1.000 lao động trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội, chỉ 11% có tài khoản ngân hàng. 50.4% lao động nữ di cư nói rằng, họ đã phải vay mượn tiền để trang trải cuộc sống gia đình và phục vụ nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ. Phần lớn trong số họ vay mượn tiền từ những nguồn không chính thức.

Bà Nguyễn Thị Lan (55 tuổi, từ Thanh Hóa) làm theo giờ cho công ty giúp việc tại Hà Nội cho biết, bà làm giúp việc đã được 2 năm thế nhưng toàn nhận lương bằng tiền mặt. Bà Lan cho biết: "Lúc đầu, tôi không quen sử dụng điện thoại, chỉ thích dùng tiền mặt. Thế nhưng giờ đây, sau khi được công ty hướng dẫn trả lương qua tài khoản lại được hướng dẫn sử dụng app, tôi thấy việc sử dụng dịch vụ tài chính qua điện thoại thông minh rất tiện dụng".

Mới đây các đối tác gồm: Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT), Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty JupViec.vn đã ra mắt phiên bản nâng cấp của ứng dụng điện thoại JupViec.vn giúp hàng nghìn người giúp việc gia đình có khả năng quản lý tài chính cá nhân thuận tiện hơn. Phiên bản ứng dụng tích hợp là kết quả của sự hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến hỗ trợ tiếp cận dịch vụ tài chính và việc làm cho phụ nữ di cư (U-ME Capital) tại Việt Nam.

Ông Phan Hồng Minh - Giám đốc JupViec.vn cho biết, phiên bản nâng cấp này sẽ được giới thiệu đến hơn 2.000 nữ lao động trong hệ thống của JupViec.vn.

"Việc cung cấp dịch vụ tài chính giúp các giao dịch của lao động di cư thêm tiện lợi, điều này góp phần lao động cảm thấy thoải mái, yên tâm, tin tưởng để gắn bó hơn với công việc và công ty. Tạo ra một môi trường lao động thân thiện cũng có nghĩa là sẽ góp phần làm gia tăng năng suất lao động, cải thiện quan hệ lao động giữa chủ sử dụng và người lao động" - ông Minh nhận định.

Nhiều lao động có nhu cầu hỗ trợ tài chính

Phía đối tác ngân hàng cho biết ứng dụng tích hợp sẽ giúp lao động trong khu vực phi chính thức - những người vốn khó việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thống có thể sử dụng các sản phẩm tài chính được thiết kế riêng biệt, phù hợp với nhu cầu của họ. Với nhiều tính năng ưu việt như: Chuyển khoản, nhận lương, ứng lương, vay nợ, tiết kiệm từ 100.000 đồng/ngày... tất cả các lao động có thể linh hoạt hơn trong việc kiểm soát tình hình tài chính của mình.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - thành viên Mạng lưới Lao động di cư Việt Nam (M.Net) đánh giá cao ý nghĩa của phiên bản nâng cấp ứng dụng tài chính qua app JupViec.vn. Bà Ngọc Anh cho biết, hiện nhu cầu được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tài chính toàn diện của lao động di cư và lao động phi chính thức là khá cao. "Nhiều lao động tự do không được hỗ trợ tài chính lúc khó khăn thường phải vay mượn bạn bè, thậm chí vay lãi ngày. Điều này khiến không ít lao động vướng vào vòng lao lý vì không thể trả nợ" - bà Ngọc Anh nói.

Chính bởi vậy, bà Ngọc Anh kiến nghị nên nhân rộng các dự án hỗ trợ như trên để có nhiều lao động di cư được tiếp cận với dịch vụ tài chính toàn diện hơn nữa. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem