Điện về "đổi đời" nông thôn mới Bình Chánh

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 28/08/2022 13:28 PM (GMT+7)
Thời gian qua, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã triển khai thực hiện tốt công tác cải tạo, nâng cấp, đầu tư hệ thống lưới điện một cách đồng bộ, phục vụ đắc lực cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, góp phần hoàn thành Tiêu chí điện trong Chương trình xây NTM của huyện.
Bình luận 0

Ông Sáu Cón (Tô Văn Cón), một cư dân có 5 đời ở xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, Bình Chánh) nhớ lại, cũng là địa phương cùng thành phố nhưng đến năm 2007 xóm Gò mới có điện. Trước đó, hơn 100 hộ dân xóm Gò đêm về chỉ dùng đèn dầu.

Điện về... đổi đời nông thôn mới Bình Chánh

Cũng theo ông Sáu Cón, từ ngày xóm Gò có điện nhà nhà bắt đầu sắm quạt máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt… bù đắp những năm thiếu thốn điện. Quan trọng hơn, khi có điện kinh tế ở đây cũng phát triển theo. Một số hộ dân chuyển sang nuôi tôm và dùng điện để chạy dàn sục khí ôxy trong ao. Nhờ phát triển ngành nghề thủy sản mà thu nhập của người dân tăng cao. Không chỉ xóm Gò đổi đời nhờ có điện, hộ bà Đặng Thị Ngọc Thúy (xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh) cũng "sáng sủa" hơn khi điện về. Dưới cái nắng của buổi trưa, bà Thúy tranh thủ vận hành hệ thống phun tưới tự động để tưới nốt liếp bưởi còn lại.

Điện vào đổi đời nông thôn Bình Chánh - Ảnh 1.

Nhân viên điện lực TP.HCM đưa điện về Bình Chánh. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, những vùng nông thôn được xem là vùng sâu, vùng xa của huyện cũng đã được ngành điện đầu tư hệ thống lưới điện hoàn chỉnh, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%.

Bà Thúy cho biết, vào năm 2005 bà trồng bưởi da xanh. Thời điểm đó, khi chưa có điện, bà phải tưới nước cho vườn bưởi bằng máy bơm, vừa tốn tiền dầu, vừa mất thời gian nên chi phí sản xuất cũng đội lên. Nhận thấy những khó khăn trên nên bà Thúy và các hộ khác đã làm hồ sơ đề nghị ngành điện khảo sát, kéo điện về phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các hộ ở đây.

Theo bà Thúy, mỗi năm với 2ha bưởi da xanh, bà thu hoạch được khoảng 12 tấn bưởi. Sau khi bán và trừ chi phí mỗi năm bà có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. "Từ khi được cung cấp điện, hoạt động sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi. Không còn cảnh phải tưới nước cho cây trồng bằng máy bơm. Đặc biệt là được đăng ký sử dụng điện với mục đích sản xuất nông nghiệp với giá điện hợp lý nên khi có điện ai nấy cũng đều phấn khởi. Nhờ Nhà nước quan tâm xây lắp đường điện cho các hộ nơi đây nên đời sống cũng khá lên"- bà Thúy thổ lộ.

Có điện có nông thôn mới

Ông Nguyễn Quang Thi- Giám đốc Công ty Điện lực Bình Chánh cho biết nhiều năm qua, Công ty đã cung cấp điện đầy đủ, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Bình Chánh. Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, EVNHCMC đã tư vấn việc sử dụng điện tiết kiệm và an toàn cho hơn 4.600 hộ gia đình; tuyên truyền các khách hàng tải ứng dụng EVNHCMC CSKH để trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến của ngành điện, theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày, từ đó chủ động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Theo UBND huyện Bình Chánh, trong 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2020), ngành điện đã thực hiện đầu tư phát triển và sửa chữa mạng lưới điện với tổng kinh phí hơn 1.362 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện có 59 tuyến dây trung thế, với tổng chiều dài 874km (nổi và ngầm) và 1.718km lưới điện hạ thế (nổi và ngầm); quản lý 3.548 trạm biến thế với tổng công suất 1.432,007kVA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem