Dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi: Tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 24/02/2023 18:30 PM (GMT+7)
Nhiều tòa nhà, căn hộ tái định cư đền bù người dân trong diện thu hồi đất hiện chưa thể đưa vào sử dụng, bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân bởi những quy định liên quan tới việc tái định cư trong Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế gây ra khó khăn khi đền bù, tái định cư.
Bình luận 0

Hàng loạt nhà tái định cư "đắp chiếu", Luật Đất đai 2013 bộc lộ nhiều bất cập

Sửa quy định tái định cư trong Luật Đất đai giải quyết các bất cập (Video: Thái Nguyễn)

Đến nay, những quy định liên quan tới việc tái định cư trong Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, nhiều hạn chế, chưa theo kịp sự vận động của đời sống xã hội, gây khó cho những người bị thu hồi đất, và tái định cư. Điều này gây ra vấn đề người dân bị thu hồi đất không đồng ý nơi được đền bù tái định cư, khiến nhiều khu nhà tái định cư trong tình cảnh "đắp chiếu", bỏ hoang và xuống cấp sau nhiều năm không có người sử dụng.

Ghi nhận của PV Dân Việt tại 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5 nằm trên "đất vàng" trong Khu đô thị Sài Đồng, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội nhưng đã hoang hóa, xuống cấp sau nhiều năm. Dự án tái định cư này có 3 tòa nhà, cao 6 tầng, với tổng 150 căn hộ, được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2001 – 2006 để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng, nhưng đến nay xuống cấp, không khác gì những căn nhà hoang.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 1.

Cận cảnh 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5 nằm trên "đất vàng" trong Khu đô thị Sài Đồng (Ảnh: TN)

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 2.

Người dân mong sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ tạo cơ chế cho những nhà tái định cư bỏ hoang (Ảnh: TN)

Đáng chú ý, 3 tòa nhà tái định cư này nằm ngay cạnh khu Vinhomes Riverside, khu vực có vị trí đắc địa, hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ đã hoàn thiện. Trong khi quỹ đất Thủ đô ngày càng bị thu hẹp, nhưng nhiều khu đô thị, tòa nhà tái định cư bỏ hoang hàng chục năm như thế này đang gây lãng phí nguồn lực đất đai, còn nhiều người lao động không mua được nhà giá thấp đã và đang trở thành nghịch lý.

Ghi nhận của phóng viên, do bỏ hoang hơn 15 năm nay, nhiều hạng mục hạ tầng trong ba tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, sảnh chính các tầng 1 thành nơi chứa kho hàng, phế thải; hệ thống cầu thang, cửa, điện nước, nội thất đã hỏng hóc; khu vực sân chơi, vườn hoa, đường nội bộ biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải ngổn ngang, nhếch nhác, cỏ cây mọc um tùm hoặc được tận dụng để canh tác hoa màu cho người dân từ nơi khác đến... Chỉ có tầng 1 của tòa nhà đang được sử dụng làm văn phòng của Ban Quản lý Khu đô thị Sài Đồng.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 3.

Người dân sinh sống xung quanh tận dụng khuôn viên các tòa nhà làm nơi trồng rau (Ảnh: TN)

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 4.

Rác thải, phế liệu tràn ngập xung quanh tòa nhà gây mất vệ sinh

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 5.

Lối vào tòa nhà luôn trong tình trạng đóng kín, đồ đạc cũ nát (Ảnh: TN)

Ông Quang Huy (quận Long Biên, Hà Nội) sống gần dự án, cho biết khoảng năm 2007, 3 tòa nhà được đưa vào sử dụng nhưng từ đó đến nay chưa từng có người đến ở.

"Dự án nhà ở tái định cư này tốn rất nhiều tiền của để xây dựng nhưng lại bỏ hoang. Một số người dân xung quanh tận dụng làm nơi trồng rau và biến thành nơi để phế liệu. Hiện nay, tôi thấy đang sửa đổi Luật Đất đai nên cũng mong có cơ chế để đưa vào sử dụng được những tòa nhà tái định cư tránh lãng phí như này", ông Huy cho biết.

Còn anh Mạnh Huy (quận Long Biên, Hà Nội) chuyển về khu vực này sinh sống được hơn 10 năm cũng cho biết 3 tòa nhà này từ đó đến giờ không có ai chuyển đến sinh sống, bất chấp xung quanh nhiều dự án nhà ở khác đã đông đúc dân cư.

"Tôi ở khu vực này hơn 10 năm rồi thì đến nay thỉnh thoảng có người ở tạm, có thể là nhân viên của công ty họ ở cho đỡ phí. Xung quanh các tòa nhà khác đều có người sinh sống chỉ có 3 tòa nhà tái định cư này không có ai chuyển đến. Khu vực xung quanh nhiều khi thành nơi đổ rác, phế liệu gây mất vệ sinh", anh Huy chia sẻ.

Dự án tái định cư tại khu đô thị Sài Đồng đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến nay nhưng "bỏ hoang" do nhiều hộ dân không đồng ý việc nhận tái định cư bằng căn hộ thay vì đất nền, nên dẫn đến tính trạng khiếu kiện, không nhận nhà. Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3, trước đây là Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự án gần 1.300 tỷ đồng.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 6.

Tầng 1 của một trong ba tòa nhà tái định cư là trụ sở Ban Quản lý Khu đô thị Sài Đồng (Ảnh: TN)

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định cụ thể để hạn chế bất cập về bồi thường tái định cư

Ngoài thực trạng dự án xây xong rồi hoang hóa là rất nhiều sai phạm trong hợp đồng thuê nhà, hệ thống ki ốt tầng 1, không gian dùng chung tại các dự án chung cư đã được đưa vào sử dụng. Thống kê cho thấy, trong tổng số 199 toà nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ, đã có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho các hộ vào ở mà chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng thành phố Hà Nội cần nghiêm túc thống kê, rà soát lại tất cả các nhà tái định cư đã xây dựng trên địa bàn để phân loại, đưa ra phương án phục hồi nhà tái định cư hoang trên đất vàng, cụ thể đối với từng công trình, dự án.

"Việc bỏ hoang đất đã là rất lãng phí tài nguyên, lại còn bỏ hoang cả công trình xây dựng gần xong trên đất vàng thì quá hoang phí. Cơ chế là do con người tạo ra, vướng mắc thì cần tập trung tháo gỡ, không thể tồn tại nghịch lý lãng phí như vậy. Cơ quan quản lý nếu không có giải pháp hạn chế, triệt tiêu được những dự án, công trình hoang phí như vậy là làm suy giảm kinh tế", ông Đính chia sẻ.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ vướng mắc cho nhà tái định cư “bỏ hoang”- Ảnh 7.

Để tránh tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang cần sửa đổi quy định liên quan trong Luật Đất đai (Ảnh: TN)

Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi sửa Luật Đất đai, cần phải bổ sung rõ các quy định về nguyên tắc và điều kiện tái định cư. Trong đó, quy định cần làm rõ tính pháp lý của loại đất bị thu hồi, để được hưởng chính sách tái định cư; làm rõ chủ thể được tái định cư; các trường hợp được tái định cư.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng ngay cả quy định có trong dự thảo Luật Đất đai là "thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ" cũng cần làm rõ, phải lượng hóa cụ thể chứ không để câu chữ chung chung.

"Cần phải làm rõ thế nào là hơn nơi ở cũ chứ không thể nói chung chung. Khi tài sản bị thu hồi đất ở mặt đường, nhưng khi chuyển đổi lên vị trí của tái định cư nó là chung cư chẳng hạn thì như vậy rất là khó để so sánh. Vấn đề này phải được cụ thể hóa trong quá trình làm luật", luật sư Nam nhận định.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để hạn chế lãng phí, tránh hoang hóa, công trình xuống cấp, cần có cơ chế linh hoạt về bổ sung kinh phí hoàn thiện, tu sửa để cho thuê, thuê mua giống như chính sách nhà ở xã hội do loại hình nhà ở này đang có nhu cầu cao. Điều này thì dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải bổ sung, có quy định cụ thể.

"Để giải quyết tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, chính quyền các địa phương cần sớm có chủ trương chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, cải thiện chất lượng để cho thuê... để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội và mất mỹ quan đô thị. Vì thực tế, diện tích đất được bố trí xây dựng nhà tái định cư đa số ở vị trí thuận lợi, nhiều tiện ích. Về lâu dài, cần xem xét sửa đổi, bổ sung về cơ chế tái định cư khi thực hiện dự án trong Luật Đất đai", GS Võ nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem