EVNNPC – Dấu ấn lá cờ đầu

Phương Vy Thứ tư, ngày 02/10/2024 11:12 AM (GMT+7)
Sau 55 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã tạo nên dấu ấn rõ nét với nhiều thành tựu đáng được ghi nhận như dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn và tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bình luận 0

Ra đời từ năm 1969 với tiền thân là Công ty Điện lực, những chặng đường trưởng thành của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Những thành tựu của công ty đã đóng góp tạo nên một phần quan trọng trong sự phát triển của ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng.

EVNNPC – Dấu ấn lá cờ đầu - Ảnh 1.

Nhân viên Nhà máy Điện Vinh. Ảnh: EVNNPC

Vô vàn khó khăn, thử thách

Những ngày đầu thành lập, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), phải đối mặt rất nhiều khó khăn thử thách. Từ công nghệ kĩ thuật lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn đến những hậu quả để lại của chiến tranh khi nhiều nhà máy, công trình bị phá huỷ. Tuy nhiên, điều đó không những không làm chùn bước của những người làm điện mà còn là động lực để những cán bộ công nhân ngành điện dốc lòng, dốc sức cùng với toàn dân khôi phục sản xuất, khôi phục nền kinh tế.

Kết quả cho sự cố gắng nỗ lực đó là công ty đã phục hồi toàn bộ hệ thống lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt đời sống cho nhân dân miền Bắc.

Trong khi đến năm 1965 tổng công suất tại các nhà máy điện miền Bắc đã đạt 161 MW, gấp 2,5 lần so với năm 1955 thì sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968) công suất chỉ còn 68 MW. Vượt qua những khó khăn, với sự đoàn kết và quyết tâm khôi phục sản xuất của toàn thể cán bộ nhân viên của công ty, đến cuối năm 1973, công suất đã khôi phục lên 231 MW. Cùng với đó, việc đưa vào vận hành nhiều nhà máy điện lớn như Thuỷ điện Hoà Bình đã khiến cho sản lượng điện toàn miền Bắc tăng vọt, đồng thời còn cung ứng điện thêm cho miền Trung, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện nơi đây.

EVNNPC – Dấu ấn lá cờ đầu - Ảnh 2.

Đưa điện về vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang. Ảnh: EVNNPC

EVNNPC và những con số ấn tượng

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình xây dựng, sản xuất nhưng các cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc luôn cố gắng hoàn thành tốt các mục tiêu được Tập đoàn Điện lực (EVN) giao phó.

Thành tựu nổi bật nhất của EVNNPC được EVN đánh giá cao là công cuộc điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho hộ dân khu vực miền núi, vùng dân tộc và hải đảo. Thành tựu này đóng góp tích cực vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và đảm bảo an ninh chính trị của Đảng và Nhà nước.

Năm 1995, miền Bắc chỉ có 91,6% số huyện, 61,87% số xã có điện. Năm 2013 là năm tạo ra dấu ấn mang ý nghĩa lịch sử đối với EVNNPC với việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng đường dây cáp ngầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam đưa điện ra huyện đảo Cô Tô – huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng bảo vệ vùng biển Đông Bắc – nơi địa đầu Tổ quốc. Đến hết năm 2015, EVNNPC đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Đến nay, sau 55 năm xây dựng và trưởng thành, 100% số huyện, 100% số xã và 99,51% số hộ nông thôn đã có điện, ngành điện miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị cao cả trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới các xã, góp phần quan trọng để xây dựng các huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

EVNNPC – Dấu ấn lá cờ đầu - Ảnh 3.

Đưa điện về nông thôn (Hà Giang). Ảnh: EVNNPC

Cũng trong giai đoạn này, lưới điện phân phối được ưu tiên tập trung đầu tư phục vụ kịp thời cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các tỉnh thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm. Trong tiến trình công nghiệp hóa, các ngành sản xuất như xi măng, thép, hóa chất, vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp chế biến đã phát triển với tốc độ nhanh chóng. Kế hoạch xây dựng đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các dự án sản xuất công nghiệp luôn được EVNNPC đưa vào danh mục ưu tiên, bám sát tiến độ để đưa vào vận hành đúng kế hoạch.

Một thành tựu nổi bật nữa của EVNNPC là giải quyết vấn đề cấp điện cho các khu công nghiệp tập trung và thường phải đầu tư đi trước với khối lượng đầu tư lớn, chất lượng kỹ thuật cao. Nỗ lực đầu tư lưới điện phân phối của EVNNPC đã đáp ứng nhu cầu cấp điện trong suốt quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc, đóng góp hiệu quả vào thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ trong phát triển công nghiệp.

EVNNPC – Dấu ấn lá cờ đầu - Ảnh 4.

Một số chỉ tiêu kinh doanh của Tổng công ty Điện lực miền Bắc 55 năm qua. Ảnh: EVNNPC

Năm 2019, EVNNPC phục vụ khoảng 10,33 triệu khách hàng, thì đến năm 2023, con số này đã lên 11,205 triệu khách hàng (dự kiến đến hết năm 2024 là 11,38 triệu khách hàng). Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong nước, chất lượng điện năng cũng là một trong những điểm sáng trong chất lượng cơ sở hạ tầng tại 27 tỉnh/thành phố. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn EVNNPC quản lý, lĩnh vực điện năng tiếp tục được đánh giá cao nhất trong chất lượng cơ sở hạ tầng.

EVNNPC – Dấu ấn lá cờ đầu - Ảnh 5.

CBNV PC Yên Bái hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn tiết kiệm. Ảnh: EVNNPC

Hoạt động số hóa công tác cung cấp dịch vụ điện năm 2024 tiếp tục được EVNNPC và các Công ty Điện lực triển khai theo hướng trực tuyến, đa kênh. Hiện, EVNNPC đang đẩy mạnh triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng theo phương thức điện tử. 

Đến hết quý II/2024, đã có trên 88,58% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; Hiện nay tất cả các yêu cầu dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử; Tỉ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 100%. 

Chất lượng cung cấp điện không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện năng liên tục được nâng cấp, toàn bộ hệ thống lưới điện đã được tự động hóa, điều khiển xa và đang trong lộ trình số hóa toàn bộ hệ thống lưới điện, quản lý và phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác sản xuất kinh doanh và quản trị luôn được đổi mới, chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Trải qua 55 năm, EVNNPC không ngừng phát triển với những bước đi vững chắc, vượt qua những khó khăn thách thức, từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh và luôn tỏa sáng, khẳng định được vai trò vị trí nòng cốt trong sự nghiệp phát triển ngành Điện lực Việt Nam./.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem