FDI năm 2024: Đại bàng ngoại "ngóng" biệt đãi của Việt Nam để rót vốn
FDI năm 2024: Đại bàng ngoại "ngóng" biệt đãi của Việt Nam để rót vốn
An Linh
Thứ ba, ngày 23/01/2024 14:17 PM (GMT+7)
Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam chính thức tham gia thuế Tối thiểu toàn cầu, thu thuế 15%/ doanh thu, đối với tập đoàn xuyên quốc gia có doanh thu 750 triệu Euro (800 triệu USD), hiện doanh nghiệp ngoại đang ngóng chờ cơ chế biệt đãi để đổ vốn đầu tư.
Dù năm 2023, Việt Nam gặt hái được thành tựu lớn trong thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài với số vốn cam kết và giải ngân đặc biệt lớn, song bước sang năm 2024 nhiều chuyên gia có thể gặp những thách thức lớn từ thay đổi cuộc chơi, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đến việc doanh nghiệp chờ đợi ưu đãi của Nhà nước Việt Nam.
FDI năm 2023: Thành tích lớn, áp lực cho năm sau
Cuối tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhấttoàn cầu từ 750 triệu Euro (800 triệu USD). Sau Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng Nghị định hướng dẫn, các cơ chế, chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam để trình Chính phủ sớm thông qua, áp dụng nhằm xây dựng đường hướng chính sách, giúp doanh nghiệp sớm ra quyết định.
Năm 2023, Việt Nam thành công rực rỡ trong thu hút FDI với kết quả là số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 36,61 tỷ USD, số giải ngân khoảng 23,18 tỷ USD. Cả vốn đăng ký, giải ngân đều tăng trên 2 con số so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn FDI cấp mới, tăng thêm gần 9 tỷ USD, tỷ lệ tăng ước 32% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI giải ngân vốn thực tế bằng 63% so với vốn đăng ký cấp mới, cao hơn 3,5 tỷ USD so với số vốn giải ngân cùng kỳ năm trước, tăng gần 18% số giải ngân năm 2022.
Năm 2023 được xem là năm thành công rực rỡ của Việt Nam khi xuất hiện một số dự án, doanh nghiệp công nghệ cao quy mô vốn từ 600 triệu USD đến 1,6 tỷ USD về công nghệ cao như Amkor, Hana Micron Vina... được triển khai, đi vào hoạt động, cùng rất nhiều cam kết, kỳ vọng của đại bàng như Intel, Nvidia... hứa hẹn đầu tư vào Việt Nam. Những số liệu và kỳ vọng này, cho chúng ta thấy Việt Nam ngày càng có sức hút trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024 nhiều thách thức đối với thu hút FDI của Việt Nam, trong đó có cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Theo một số chuyên gia kinh tế, xu hướng mất giá của đồng tiền một số nước lớn như Nhật Bản mất giá trong 30 năm qua, khiến lãi suất trong nước tăng lên và không có lợi cho đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc các nước OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và Việt Nam là thành viên tham dự từ tháng 1/2024 cũng được cho là tác động lớn đến tình hình thu hút FDI của Việt Nam và động lực của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số nước trong Liên minh châu Âu, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại. Điều này cũng khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam đối mặt với thách thức không nhỏ.
Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.
Cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài.
Ở nội tại, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục hành chính "sau đầu tư" như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy,…còn nhiều điểm bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư.
Tư lệnh ngành KH&ĐT cho rằng, muốn thu hút FDI bền vững, dự án lớn, Việt Nam cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá tại Việt Nam như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng,… chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư. Mặc dù một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành song kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn.
Đại bàng "ngóng" chính sách để sớm bỏ vốn, quyết đầu tư
Hiện, đã hơn 20 ngày kể từ khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào thực tiễn, nhưng Nghị định hướng dẫn thực hiện, các cơ chế ưu đãi vẫn chưa được ban hành. Cho dù việc đánh thuế chưa diễn ra, song doanh nghiệp tìm hiểu, có ý định đầu tư vào Việt Nam rất trông chờ chính sách, ưu đãi của Việt Nam ra sao "hậu" áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Thậm chí, nếu chính sách chậm ban hành, sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, "những tập đoàn lớn, người ta cần thời gian rất nhanh thời gian để phát triển dự án. Nếu không làm được thì cơ hội giảm thiểu, thậm chí tuột mất".
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): Môi trường đầu tư thế giới thay đổi rất nhanh, các nước do khó khăn chính trị, kinh tế toàn cầu nên có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài về nước… Tất cả thay đổi đó làm cho "miếng bánh" đầu tư nước ngoài thu nhỏ lại.
Vì vậy, cạnh tranh của các nước có cùng nhu cầu thu hút đầu tư giống Việt Nam ngày càng lớn, nên chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với thế giới để cải thiện môi trường đầu tư, thích ứng với cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và nước ngoài.
Việt Nam phải nhanh chóng cải cách nền hành chính quốc gia. Xây dựng Chính phủ số tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân thụ hưởng thủ tục hành chính không phiền hà, sách nhiễu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ban hành Nghị quyết cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau khi Việt Nam phê chuẩn áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu từ tháng 1/2024 để doanh nghiệp sớm ra quyết định đầu tư vào những ngành, nghề trọng điểm của Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), năm 2023, xu hướng FDI đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao cũng tăng mạnh mẽ do "điều hướng" chiến lược của Chính phủ Việt Nam.
Ông Việt cho biết, thách thức thu hút FDI cho Việt Nam năm 2024 chính là sắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, điều này sẽ tác động đến động cơ đầu tư của các doanh nghiệp khi bỏ vốn vào quốc gia đầu tư nào có lợi nhất.
"Trong cùng một mặt bằng lợi thế cạnh tranh và lợi ích tương đồng như nhau giữa Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp sẽ trông mong lợi ích lớn, hỗ trợ từ chính phủ sở tại để ra quyết định đầu tư. Chính vì vậy, yếu tố cạnh tranh hiện nay không phải là tĩnh mà phải là cạnh tranh động, bằng việc ra nhanh, ban hành sớm các chính sách ưu đãi để doanh nghiệp sớm quyết định đầu tư", ông Việt nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.