“Gã điên” có gia tài tiền tỷ không chịu bán, chỉ trưng bày miễn phí
“Gã điên” có gia tài tiền tỷ không chịu bán, chỉ trưng bày miễn phí
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 10:10 AM (GMT+7)
Đã có người ngỏ ý muốn đổi ô tô tiền tỷ hay trả giá cao để mua lại kho gia tài của anh Duyệt, nhưng anh cương quyết từ chối. Thay vào đó, anh Duyệt chấp nhận tiếp tục làm “gã điên” như lời một số người thương anh.
Căn nhà trưng bày kỷ vật của anh Ngô Duy Duyệt nằm ở thôn 9, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cạnh đường quốc phòng (cách thị trấn Cửa Tùng 5km, cách thị trấn Cửa Việt hơn 8km). Anh Duyệt trưng bày và đón tiếp khách tham quan miễn phí. Đây là điểm đến thân quen của các cựu chiến binh, du khách thập phương, những người đam mê sưu tầm kỷ vật, đặc biệt là mỗi dịp lễ 30/4, 27/7… Hiện anh đang sở hữu khoảng 1.000 kỷ vật nhằm lưu lại một phần ký ức của một thời xưa cũ.
Anh Duyệt cho biết, năm 2000, anh được bạn tặng một số món đồ nhỏ rất cũ kĩ, vốn có từ thời bao cấp. Càng tìm hiểu, anh Duyệt càng biết thêm nhiều cái hay của những món đồ cũ, được gọi là kỷ vật. Từ đó, anh mê lúc nào không hay.
Với chiếc xe máy cũ, anh Duyệt dành nhiều thời gian rong ruổi trên các nẻo đường, từ huyện miền núi như Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên – Huế), Minh Hoá, Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho tới vùng trung du, miền biển, thậm chí là vượt hàng ngàn km ra Bắc, vào Nam. Sau này, ông mở đại lý thu gom phế liệu, công việc này cũng giúp ông tìm được những món đồ cũ rất giá trị nằm lẫn lộn trong những đồ bỏ đi.
“Tôi bị nghiện sưu tầm kỷ vật, nghiện nặng lắm rồi. Đi đến đâu, vào nhà ai tôi cũng ngó nghiêng tìm kiếm xem có vật gì cũ kỹ thời xưa hay không. Thế là chủ nhà tỏ ý nghi ngờ, khó chịu vì tưởng rằng tôi có ý định trộm cắp”, anh Duyệt nói. Với anh Duyệt, việc phải mượn tiền để mua bằng được kỷ vật hầu như cơm bữa. Mua về rồi, anh Duyệt phải kỳ cọ, rửa sạch, có lúc bỏ cơm. Bởi vậy, nhiều người thấy thương, lo cho sức khỏe của anh nên buông lời ca thán “Thằng Duyệt điên rồi, cơm không lo ăn, bỏ tiền ra mua mấy thứ cũ rích cũ rơ về làm gì cho khổ thân”.
Sau những chuyến xe “săn” kỷ vật, “bảo tàng tại gia” của anh Duyệt lại có thêm những món đồ từ ngòi bút, ly uống nước, bàn, ghế, chiếc đèn pin, bộ áo quần, túi xách, chăn mền, áo quần, giường tủ, nồi niêu, chén bát,… cho đến những quân trang, thiết bị quân sự như: máy phát điện, bi đông, vỏ đạn pháo, vỏ bom, súng,…
Tìm được kỷ vật chỉ mới thành công được một nửa. Vì vậy, anh Duyệt còn phải dành thời gian tìm hiểu thêm các tài liệu sách, báo, phim ảnh,.. để hiểu kỷ vật. Nhưng với khả năng của một người tay ngang, anh Duyệt khó lòng hiểu hết. Anh mong nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia.
Trong khoảng 1000 kỷ vật anh Duyệt sưu tầm được, nổi bật nhất là vỏ bom ANM66 nặng gần 500kg được mang về từ xã Linh Trường, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Vỏ bom này nằm ở khe suối, anh Duyệt phải thuê máy móc, xe tải mất gần một tuần mới đưa được về nhà.
Kỷ vật anh Duyệt thích nhất là 2 cặp bình rocket được anh săn đón, mua từ một “dân chơi” chuyên nghiệp ở khu vực miền Bắc. “Nhiều người hỏi mua lại nhưng tôi nhất định không bán. Bởi lẽ, không dễ gì tìm kiếm được loại này” – anh Duyệt nói.
Theo anh Duyệt, có không ít người chung niềm đam mê sưu tầm kỷ vật đã ngỏ ý đổi ô tô tiền tỷ, hoặc chi ra số tiền không nhỏ để mua lại toàn bộ kỷ vật của anh. Tuy nhiên anh Duyệt cương quyết chối từ. “Tôi yêu những kỷ vật này. Với tôi, bất cứ kỷ vật nào cũng có giá trị. Nếu sau này không đủ sức nữa, tôi hy vọng tìm được người có tâm huyết để trao tặng lại gia tài kỷ vật để được gìn giữ, phát huy giá trị. Với tôi, trân trọng kỷ vật là trân trọng quá khứ, trân trọng dân tộc mình”, anh Duyệt tâm sự.
Cây nhiệt đới, một trong những thiết bị quân sự của quân địch thả xuống rừng Trường Sơn và vùng giới tuyến để phát hiện hoạt động của bộ đội Việt Nam. Theo anh Duyệt, có nhiều cựu chiến binh đến thăm, có người vẫn không thể biết chính xác một số món kỷ vật trong không gian trưng bày của anh. Bản thân anh với kiến thức hạn hẹp cũng chưa tìm ra tư liệu về những món kỷ vật đó. Anh Duyệt mong rằng sẽ có các chuyên gia giúp đỡ để nâng tầm hiểu biết của mình, nhằm giới thiệu cho du khách ghé thăm, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ngọc Vũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.