Giá cà phê 9/8: Diễn biến lạ của giá cà phê, Robusta tiếp đà tăng
Giá cà phê 9/8: Diễn biến lạ của giá cà phê, Robusta tiếp đà tăng
Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 09/08/2023 10:12 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 9/8: Giá cà phê hai sàn có xu hướng trái chiều. Đồng Reais yếu hơn đã thúc đẩy nông dân Brazil tăng cường bán hàng cà phê xuất khẩu. Trong nước, giá cà phê hôm nay trong khoảng 67.200 - 68.000 đồng/kg, giá thu mua tại Lâm Đồng nhích nhẹ thêm 100 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay 9/8: Hai sàn có xu hướng trái chiều, cà phê nội nhích thêm 100 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London duy trì xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 6 USD, lên 2.688 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 5 USD, lên 2.559 USD/ tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 2,60 cent, xuống 161,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 2,60 cent, còn 160,85 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 67.200 – 68.000 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 67.200 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 67.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 67.700 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 68.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 67.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 67.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 67.300 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 67.400 đồng/kg.
Như vậy, thị trường cà phê trong nước hôm nay tăng nhẹ 100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng, giữ nguyên ở những địa phương còn lại so với cùng thời điểm hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta duy trì xu hướng tăng là điều dễ nhận thấy do thị trường London đang có cấu trúc giá nghịch đảo với mức chênh lệch giữa các tháng kỳ hạn gần rất cao.
Cấu trúc giá nghịch đảo trong giao dịch hàng hóa nghĩa là giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng giao hàng xa. Thông thường, giá thuận chiều sẽ là tháng giao dịch sau cao hơn giá tháng giao dịch trước.
Góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng là báo cáo xuất khẩu giảm từ các nước sản xuất chính và dự báo nguồn cung sẽ tiếp tục bị thắt chặt trong ngắn hạn cho tới khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới cuối mùa mưa năm nay.
Báo cáo tồn kho tại hai sàn tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo dữ liệu báo cáo của ICE, hôm qua thứ ba ngày 8/8, tồn kho ICE – London giảm thêm 1.640 tấn, tức giảm 3,16 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 50.190 tấn (khoảng 836.500 bao, bao 60 kg), kéo dài chuỗi giảm lên tiếp kể từ cuối tháng 5 tới nay mà không hề có sự bổ sung nào.
Tồn kho ICE – New York giảm xuống ở mức 527.492 bao cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hiện nay đều bán cà phê trực tiếp cho các thị trường tiêu thụ chính và các thương nhân quốc tế theo phương thức Aas (không qua trung gian) nhằm giảm bớt chi phí trung gian.
DXY tiếp tục kéo dài sức tăng đã khiến giá trị của các tiền tệ mới nổi vào thế suy thoái làm giảm sức mua hàng hóa nói chung. Trong khi bão lụt xảy ra khắp nơi khiến tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao, trong bối cảnh dữ liệu cán cân thương mại yếu hơn từ Trung Quốc, mức thuế đối với lợi nhuận ngân hàng bất thường ở Ý và hạ xếp hạng tín dụng của ngân hàng các khu vực ở Mỹ khiến các sàn chứng khoán chìm trong sắc đỏ.
Đồng Reais – Brazil giảm thêm 0,05% đưa tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 4,8971 R$ khiến nhà nông đẩy mạnh bán hàng cà phê xuất khẩu làm giá New York đảo chiều sụt giảm.
CONAB, cơ quan khảo sát và dự báo mùa vụ trực thuộc Bộ nông nghiệp Brazil thông báo, sẽ tiến hành khảo sát vụ mùa cà phê năm nay lần thứ 3 và dự kiến sẽ công bố kết quả vào ngày 20/9. Được biết nông dân Brazil hiện đã thu hoạch 80% sản lượng vụ mùa, với triển vọng tăng trưởng 7,5% so với vụ trước và sản lượng ước tính 54,74 triệu bao do chu kỳ “hai năm một” cho sản lượng cao của cây cà phê Arabica.
Mọt đục cành cà phê và biện pháp phòng trừ
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - VAAS, mọt đục cành (Xyleborus morstatti) gây thiệt hại lớn cho vườn cà phê ở giai đoạn kiến thiết. Những cành bị mọt tấn công thường phải cắt bỏ, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê.
Triệu chứng gây hại: Cành cà phê bị mọt đục thường có biểu hiện qua 3 giai đoạn: (1) Các vảy bao hình tam giác, ở các đốt của cành cà phê đen lại, một vài cặp lá ở gần lỗ đục tiến về phía đầu cành bị rụng; (2) Cành bị mọt đục có hiện tượng héo, trên cành chỉ còn vài cặp lá ở phía đầu cành; (3) Cành chết khô.
Tác nhân gây hại: Mọt trưởng thành là một loại bọ cánh cứng có màu nâu đến màu đen sẫm. Mọt cái trưởng thành có kích thước cơ thể lớn hơn, màu sắc đậm hơn mọt đực trưởng thành. Cơ thể mọt cái trưởng thành dài khoảng 1,6 - 2mm; trong khi đó, cơ thể mọt đực trưởng thành dài khoảng 0,8 - 1mm.
Sự phát sinh, phát triển, gây hại của mọt đục cành:
Mọt đục cành xuất hiện nhỏ lẻ trong các tháng mùa khô, bắt đầu phá hại nặng từ tháng 9 đến tháng 12. Mọt gây hại nặng trên các vườn cà phê kiến thiết cơ bản và chủ yếu gây hại trên các cành cà phê tơ.
Mọt trưởng thành đục một lỗ nhỏ bên dưới các cành tơ hay bên hông các chồi vượt làm thành một tổ rỗng và đào hang rãnh bên trong để đẻ trứng. Mọt cái đẻ trứng trong hang do chúng tạo ra, sâu non khi nở ra chỉ ăn một loại nấm Ambrosia do mọt cái trưởng thành mang các bào tử nấm vào trong quá trình làm tổ.
Vòng đời của mọt đục cành kéo dài từ 31 - 48 ngày. Mọt trưởng thành có thể di chuyển đến một số cây ký chủ khác như cây bơ, ca cao, xoài... Ở Tây Nguyên, muồng hoa vàng hạt to và cây đậu săng là 2 cây ký chủ phụ chủ yếu của mọt đục cành.
Mọt đục cành cà phê khi hóa nhộng có màu trắng, trưởng thành có màu nâu đen.
Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh các loại cây dại xung quanh vườn để giảm thiểu các ký chủ của mọt cành. Nếu phát hiện những cành bị mọt thì cần tìm diệt sâu non ngay từ đầu.
Cắt bỏ sớm các cành mới bị mọt đục và đốt bỏ để loại bớt nguồn mọt. Khi cắt bỏ các cành bị mọt đục cần cắt bỏ cành ở vị trí cách lỗ đục ít nhất 8 cm về phía trong gốc cành cà phê để thu gom toàn bộ tổ mọt.
Sử dụng các loại thuốc lưu dẫn có tính thẩm thấu cao để diệt mọt trưởng thành. Một số thuốc có thể sử dụng như Mospilan 3 EC (400 ml/200 lít nước), Wellof 330EC (500 ml/200 lít nước), Nurelle D 25/2.5 EC (500 ml/200 lít nước).
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ mọt đục cành gây hại cà phê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.