Hòa giải Việt - Mỹ và những cái tên từ Sơn Mỹ

Mỹ Hằng Thứ bảy, ngày 01/05/2021 15:35 PM (GMT+7)
Những người đã ngã xuống, hơn cả một cái tên, một dòng chữ, hay thậm chí họ vô danh – nhưng sự vô danh của họ là sự im lặng vĩnh cửu. Họ còn lại bằng dáng hình đất nước, bằng cuộc sống hòa bình hàng ngày hôm nay.
Bình luận 0

Tháng Tư. Trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TPHCM. Tôi dừng lại lâu hơn một chút ở những bức tường về vụ thảm sát Sơn Mỹ tháng 3/1968. Báo chí Việt Nam và Mỹ đã viết quá nhiều về vụ này. 504 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã bị lính Mỹ giết một cách tàn bạo, bị hành hạ, cắt bộ phận cơ thể trước khi giết, khiếp đảm khi chứng kiến người thân, xóm giềng của mình bị giết. Vụ thảm sát chỉ được dừng lại khi một trực thăng quân đội Mỹ bay qua, trong đó viên phi công và xạ thủ đi cùng chứng kiến cảnh xác người chồng chất, cảnh đồng đội của họ dí súng bắn chết người dân, và họ hạ cánh ngăn chặn vụ thảm sát.

Sự việc được quân đội Mỹ giấu nhẹm bằng báo cáo đã tiêu diệt 128 Việt Cộng. Nhiều tháng sau đó, chính những binh lính của quân đội Mỹ đã tố cáo tội ác của lính Mỹ với thường dân khiến quân đội phải điều tra sự việc. Một nhà báo Mỹ cũng tiến hành điều tra độc lập, và một năm rưỡi sau vụ thảm sát Mỹ Lai được tung ra trên trang nhất các tờ báo lớn của Mỹ. Những hình ảnh xác người chồng chất, hay những phụ nữ khốn khổ bị tra tấn đã làm chấn động dư luận Mỹ, dấy lên những làn sóng mới mạnh mẽ hơn trong phong trào phản chiến ở Mỹ.

Chỉ có một lính Mỹ, người chỉ huy trong vụ thảm sát, là William Calley từng bị kết án và phải ngồi tù vài tháng. Người duy nhất. Còn viên phi công và xạ thủ của ông từng ngăn cản việc nổ súng sát hại dân thường và đưa hàng chục dân thường đi cấp cứu, đã trở lại Việt Nam nhiều lần, trở thành một biểu tượng của sự hàn gắn. 

Cả một câu chuyện có bề dày bằng một ngày ở Sơn Mỹ hồi đó, bằng 500 mạng sống của thường dân, bằng hơn 40 năm tính từ 1968 trong lịch sử quan hệ Việt – Mỹ, bằng hàng nghìn đêm ngủ đầy ám ảnh của những cựu binh Mỹ từng tham gia vào cuộc thảm sát, kể cả William Calley như thú nhận của người này sau đó, giờ cô đọng bằng những hình ảnh, những dòng chữ ngắn gọn trên độ chục tấm poster.

Tôi không thể dừng lâu để nhìn những hình ảnh đã từng thấy qua báo chí, sách vở. Ấn tượng nhất, là tên các nạn nhân, được viết bằng chữ trắng trên cái giá màu đen hẹp chạy suốt chiều ngang nho nhỏ của hai bức tường.

Đã từng đến khu chứng tích Sơn Mỹ và tôi từng lặng lẽ khóc ở đó, giữa những di tích còn lại hoặc được tái hiện của vụ thảm sát. Từ nhiều năm trước. Có những hình ảnh đã không dám nhìn.  Giờ đây, giữa Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nước mắt cũng trào ra, dù chỉ đăm đăm ngắm những cái tên màu trắng trên nền đen.

Hòa giải Việt - Mỹ và những cái tên từ Sơn Mỹ - Ảnh 2.

Tên các nạn nhân của vụ thảm sát Sơn Mỹ được ghi trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP.HCM.

Thật ra tôi đã định đếm xem có đủ 504 cái tên hay không. Nhưng cuối cùng không dừng lại nổi và tôi rời sang gian trưng bày khác. 504 con người, dù lịch sử ghi tên họ bằng máu và nước mắt, bằng cả mạng sống của họ, thì giờ còn lại cũng chỉ là những dòng chữ màu đen trên nền trắng.

Nhớ tới Bức tường Chiến tranh Việt Nam của người Mỹ ở Washington D.C., nơi tôi đã đến thăm một chiều mùa thu ảm đạm, trời mưa, cũng nhiều năm trước. Tên của 58.000 lính Mỹ chết và mất tích tại Việt Nam được khắc trên đó, hình như cũng là chữ đen trên nền trắng. Những di vật và hoa tươi, những lá thư được đặt dưới chân bức tường rất nhiều. Có thể là của người thân viết cho người đã chết, hay đồng đội viết cho đồng đội. Bức tường bằng đá hoa cương bóng loáng vẫn in bóng bao người đi qua, của ngày hôm nay, in bóng cuộc sống hàng ngày đang chảy.  

Nhớ tới những bia liệt sỹ ở các thành phố, làng mạc của Việt Nam. Trên mảnh đất này, có xã nào, phường nào mà không có bia liệt sỹ, ghi tên những người đã ngã xuống trong 4 cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ 20. Những tấm bia được xây đã lâu, có lẽ từ lúc đất nước còn rất nghèo, nên rất nhiều tấm bia không được làm bằng phiến đá đẹp để được đánh lên bóng loáng như Bức tường Chiến tranh Việt Nam của người Mỹ, liệu có phải là như thế? Những tấm bia dựng lên, dựng lại sau này được làm bằng đá đẹp hơn, sắc nét hơn, nhưng những cuộc đời, những tuổi trẻ ấy cũng chỉ còn là những dòng chữ không thể giản dị hơn, không thể vắn tắt hơn.

Cứ nghĩ, Bức tường Chiến tranh Việt Nam của người Mỹ có tên hơn 58.000 lính Mỹ chết và mất tích đã dài 75m, cao 3m. Nếu Việt Nam làm một bức tường ghi tên khoảng gần 1 triệu liệt sỹ hy sinh, và 2 triệu dân thường chết trong một cuộc kháng chiến chống Mỹ thôi, thì có lẽ nó sẽ dài gấp khoảng 50 lần Bức tường Chiến tranh Việt Nam.

Chỉ có điều, không thể làm nổi một bức tường như thế, bởi rất nhiều người Việt Nam đã ngã xuống trong bom đạn đã không thể thống kê nổi, không thể để lại một cái tên.

Nhưng họ là những người ghi dấu trong lịch sử. Những người bị giết ở Sơn Mỹ, hay những liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ Quốc, những người đã chết, vô danh, trong những cuộc kháng chiến. Họ hơn cả một cái tên, một dòng chữ. Hay thậm chí họ vô danh – nhưng sự vô danh của họ là sự im lặng vĩnh cửu. Họ còn lại bằng dáng hình đất nước hôm nay, bằng cuộc sống hòa bình hàng ngày, hôm nay. 

Vài tuần trước, Deryle Perryman, một cựu lính pháo 175 ly ở chiến trường Chư Tan Kra, Sa Thầy năm 1968, kể với tôi về việc ông đã tình nguyện nhập ngũ sang Việt Nam tham chiến ở tuổi 19:

"Lúc đó tôi còn trẻ và ngờ nghệch. Tôi được bảo rằng chúng tôi đến đây là bảo vệ tự do, bảo vệ những người yếu thế. Một năm ở đây tôi nhận ra tôi chẳng biết gì về Việt Nam".

Suốt nhiều năm trở về từ cuộc chiến tranh, ông trốn tránh những ký ức của mình cho tới năm 1982 khi mất đứa con đầu vì bệnh bại não nghi là do hậu quả chất da cam/dioxin. Và từ đó ông đối mặt với những ký ức kinh khủng của cuộc chiến bằng nhiều chuyến trở lại Việt Nam từ năm 1995

"Giống như phần lớn những lính Mỹ từng tham chiến (ở Việt Nam), tôi đã tìm kiếm sự khép lại, sự bình yên cho tâm trí mình, một sự hàn gắn của trái tim và tâm hồn, nhưng không bao giờ làm được". Rồi cuối cùng năm 2013 ông bắt đầu tham gia cùng các cựu chiến binh Việt Nam tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ Bắc Việt hy sinh trên chiến trường Chư Tan Kra năm xưa, những người mà năm 1968 từng là kẻ thù của ông, khi họ nã pháo vào nhau và có những người phải chết. Deryle nói, những chuyến đi trở lại Chư Tan Kra tìm hài cốt những người lính Bắc Việt năm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Có lẽ là một sự giải thoát trong trái tim.

Tôi hỏi ông Hồ Đại Đồng, cựu chiến binh thuộc trung đoàn Mũ sắt năm 1968 đánh ở Chư Tan Kra, người mà từ hơn 10 năm nay luôn tổ chức cùng các đồng đội còn sống của mình những chuyến đi tìm hài cốt  các đồng đội đã ngã xuống: "Có khi nào trong những chuyến đi gian nan thế này chú cảm thấy tức giận họ, vì họ đã đem bom đạn đến đây, khiến chú mất đi đồng đội?"

Ông Đồng đáp: "Tức giận gì nữa. Họ đã quay lại cùng mình đi tìm hài cốt đồng đội mình, đó là những tình cảm nhân bản nhất, cội rễ nhất của con người rồi".

Hơn 15 năm trước, tôi đi cùng các anh chị cựu văn nghệ sĩ của Điện ảnh Khu 5 ra sân bay đón Fred Whitehurst – người nhặt được và lưu giữ nhật ký của bác sỹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và những tấm ảnh từ máy ảnh của nhà báo liệt sỹ Nguyễn Văn Giá  suốt hàng chục năm trước khi tìm lại và trao trả nhật ký cho gia đình chị Trâm, anh Giá.

Tôi hỏi họ: "Vì sao các anh tha thứ cho Fred?" Và họ nói với tôi rằng, họ tha thứ, bởi họ đã biết thế nào là cái chết, là máu đổ trong chiến tranh.

Quá trình hòa giải trong quan hệ Việt – Mỹ thật phi thường và  tốt đẹp với cả hai nước. Nhưng có những điều tôi vẫn không thể hiểu đến tận cùng về sự hòa giải, tha thứ ấy, như khi đứng trước "bức tường Sơn Mỹ" trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, khi thăm các nạn nhân chất da cam/dioxin, khi nhìn những cựu chiến binh vật lộn với thương tật, đến nghĩa trang Trường Sơn hay thành cổ Quảng Trị.

Nhưng đã rất nhiều thời gian qua đi. Trong nghề của mình, tôi đã từng phỏng vấn John Kerry, John McCain khi các ông còn là Thượng nghị sĩ, trò chuyện với nhiều cựu chiến binh Mỹ quay lại Việt Nam, với nhiều cựu chiến binh Việt Nam.

Gác lại quá khứ không có nghĩa là quên đi quá khứ. Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, để có một quan hệ Việt – Mỹ mạnh mẽ như bây giờ.

Nên khi nhìn Đại sứ Mỹ Daniel Krittenbrink, năm 2020, thắp hương cho các liệt sỹ Việt Nam ở nghĩa trang Trường Sơn, thật sự là một hình ảnh đầy cảm xúc. Ông ấy đến thăm nghĩa trang Bình An của lính Việt Nam Cộng hòa cũng là điều dễ hiểu. Khi Chính phủ đồng ý để ông Đại sứ đến thăm nghĩa trang lính Việt Nam Cộng hòa, đó là một hành động mang tính chất nhân đạo, bao dung. Còn việc ông Đại sứ đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, có lẽ đó là một biểu tượng rất quan trọng cho sự hòa giải. Đó là sự tôn trọng thể chế chính trị mà hai nước đã cam kết với nhau, còn về ý nghĩa nhân văn và phẩm giá, đó là cái cúi đầu trước sự quả cảm của những đối thủ một thời đã hy sinh vì Tổ Quốc.

Họ, những người đã trải qua chiến tranh, những người đã dành tuổi trẻ của mình trong cuộc chiến ấy, những người đã vượt qua cay đắng và hận thù, khi họ nói về sự hàn gắn và hoà giải, họ là người có quyền lên tiếng, bằng trải nghiệm, bằng mạng sống của mình.

Để trả lời cho câu hỏi của tôi, vì sao hòa giải, vì sao tha thứ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem