Huyện "bất lực" nhìn trụ sở công bị bỏ hoang, xuống cấp
Huyện "bất lực" nhìn trụ sở công bị bỏ hoang, xuống cấp vì 4 năm, ký 6 công văn nhưng "đòi" không được
Dũ Tuấn
Thứ hai, ngày 20/05/2024 12:16 PM (GMT+7)
UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) "bất lực" nhìn trụ sở công bị bỏ hoang, xuống cấp vì 4 năm qua, đã có ít nhất 6 lần ký công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, các cơ quan có liên quan, đề nghị giao lại trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện về địa phương quản lý, nhưng chưa được.
Tỉnh Bình Định cũng có nhiều văn bản đề nghị gửi đến cơ quan Trung ương có liên quan, nhưng chưa thấy hồi âm, chưa có kết quả. Mọi chuyện vẫn đang nằm ở "trên giấy", gây bức xúc vì để lãng phí tài sản công.
4 năm, ký 6 công văn, nhưng trụ sở công vẫn bị bỏ hoang, xuống cấp
Tại Bình Định, đang tồn tại tình trạng, địa phương giao đất không thu tiền sử dụng đất cho cơ quan trực thuộc của Trung ương, xây dựng trụ sở mới.
Trụ sở mới xây xong, trụ sở cũ bị bỏ hoang gây xuống cấp, lãng phí, trong khi địa phương lại rất cần sử dụng, nhưng "đòi" mãi không xong.
Toà án nhân dân huyện Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định giao đất xây dựng trụ sở mới với diện tích gần 5.000m2 và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019, tại số 2 Đô Đốc Bảo, thị trấn Phú Phong.
Từ đó đến nay, trụ sở làm việc cũ của cơ quan này, tại số 85 Phan Đình Phùng bị bỏ hoang, không có người quản lý, không dọn vệ sinh nên xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Điều nghịch lý, phần lớn các cơ quan Nhà nước của huyện Tây Sơn phòng làm việc còn rất khó khăn, một số cơ quan chuyên môn thuộc huyện vẫn còn thiếu, phải bố trí phòng làm việc chung giữa lãnh đạo và công chức, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Từ năm 2020 đến nay, 2 đời Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn là ông Đỗ Văn Sỹ và ông Phan Chí Hùng, đã có ít nhất 6 lần ký công văn đề nghị giao lại trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện, về cho địa phương quản lý.
Thậm chí, quá "sốt ruột", Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn có công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, đề nghị quan tâm xem xét giao lại cho địa phương vì trụ sở đã xuống cấp và có nguy cơ gây ra tình huống xấu. Tuy nhiên, hơn 4 năm trôi qua, mọi chuyện đang ở trên giấy và huyện vẫn cứ "chờ".
Theo UBND huyện Tây Sơn, một trường hợp trụ sở khác bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản công, là trụ sở cũ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện này.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định giao đất xây dựng trụ sở mới và đưa vào sử dụng kể từ tháng 3/2022 tại số 23 Thuận Ninh, thị trấn Phú Phong.
Từ đó đến nay, trụ sở cũ tại số 196 Phan Đình Phùng không sử dụng, không có người quản lý, gây lãng phí tài sản công.
Từ tháng 6/2023, UBND huyện Tây Sơn đã có công văn gửi Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định đề nghị giao trụ sở cũ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện cho địa phương quản lý, nhưng vẫn chưa được.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng, huyện vẫn giữ quan điểm tiếp tục kiên trì đề nghị bàn giao 2 trụ sở cũ trên, cho địa phương quản lý.
"Huyện làm văn bản đề nghị liên tục và có nhờ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Trung ương, đề nghị giao trụ sở cũ của toàn án huyện về địa phương quản lý, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn "im ru", chưa có kết quả. Trong khi đó, địa phương rất cần những trụ sở này để sử dụng và cải tạo, chỉnh trang đô thị", ông Nguyễn Văn Khánh nêu thực trạng.
Bà Lê Bình Thanh – Bí thư Huyện uỷ Tây Sơn cho biết, 2 trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện đang hoang tàn, xuống cấp nặng nề, dẫn đến lãng phí tài sản công của Nhà nước.
"Hiện nay, huyện đang thực hiện chỉnh trang đô thị và thực hiện một số dự án, thì bị vướng. Đặc biệt, dự án mở rộng đường Phan Đình Phùng đang chuẩn thi công nhưng vướng mặt bằng trụ sở cũ Toà án huyện, không biết thực hiện như thế nào", bà Lê Bình Thanh cho hay.
"Cơ quan Trung ương muốn cấp đất xây dựng trụ sở mới, yêu cầu phải làm cam kết với tỉnh"
Theo ông Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định, trước đây trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện Tây Sơn, Toà án nhân dân tối cao có gửi văn bản cho tỉnh, đề nghị bán trụ sở này nhưng tỉnh không đồng ý.
"Vì khi xây dựng, địa phương giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nếu Toà án nhân dân tối cao muốn bán, thì bán vật kiến trúc trên đất vì đó là tài sản của toà án, nhưng không được phép bán đất. Do vậy, mới thôi quyết định bán trụ sở này", ông Lê Kim Toàn nói.
Sau đó, tỉnh Bình Định tiếp tục kiến nghị giao trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn về cho địa phương quản lý, sử dụng và hiện nay, trụ sở này đã chuyển về Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nhiều lần làm việc và có đề nghị với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Định.
"Không để tình trạng tài sản công của Nhà nước để lâu, không ai quản lý, không sử dụng, dẫn đến việc xuống cấp, rất phản cảm", ông Lê Kim Toàn yêu cầu.
Từ vụ việc trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định cho rằng, tỉnh này cần rút kinh nghiệm, từ nay trở đi các cơ quan Trung ương muốn cấp đất xây dựng trụ sở mới, thì yêu cầu, phải làm cam kết với tỉnh.
"Tỉnh sẵn sàng bố trí quỹ đất mới đẹp, thuận lợi để xây trụ sở mới và không thu tiền sử dụng đất nhưng xây xong, trụ sở cũ bắt buộc phải bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Tỉnh không tiếc gì cả nhưng phải phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài sản công", ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với Mặt trận, các tổ chức thành viên thuộc Ủy ban Mặt trận tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Định trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV hôm 14/5, có mặt Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Tại đây, cử tri Bình Định tiếp tục đề nghị bàn giao 2 trụ sở làm việc cũ của Toà án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn về địa phương quản lý, vì bỏ không quá lâu và hiện nay đang bị xuống cấp.
"Tỉnh đã có nhiều văn bản nhưng chưa thấy hồi âm, chưa có kết quả. Hiện nay các trụ sở này để không, như vậy rất lãng phí. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo Cục quản lý công sản rà soát lại, bởi chúng tôi làm việc với Toà án thì họ bảo bàn giao về Cục quản lý công sản. Mong muốn của cử tri là sớm bàn giao các trụ sở cũ, cho địa phương quản lý sử dụng", ông Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định nói.
Hứa trước cử tri Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao khẩn trương có văn bản trình, để sớm thực hiện việc bàn giao trụ sở cũ của 2 cơ quan Toà án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn.
"Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp tục, gửi kiến nghị đến hai Bộ ngành này, để sớm bàn giao trụ sở cũ về cho địa phương quản lý sử dụng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.