Lễ cúng ông Công ông Táo luôn được mỗi người Việt coi trọng, đó là lễ tiễn Táo quân lên báo cáo Ngọc Hoàng một năm vừa qua của gia đình. Lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì để đúng theo truyền thống và thể hiện được tấm lòng của gia chủ luôn là mối quan tâm của nhiều gia đình. Dưới đây, Dân Việt gợi ý tới bạn đọc lễ cúng ông Công ông Táo theo truyền thống để bạn đọc tham khảo.
Một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng 23 tháng Chạp truyền thống là bộ ông Công ông Táo.
Thông thường, bộ ông Công ông Táo đầy đủ sẽ bao gồm: 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy.
Mũ ông Công ba cỗ (hay ba chiếc) có 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho Táo ông thường có 2 cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn. Những chiếc mũ này được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và dây kim tuyến.
Màu sắc của mũ và áo ông Công ông Táo sẽ được thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Ví dụ: Năm hành kim thì mũ, áo có màu vàng; năm hành mộc thì mũ, áo có màu trắng; năm hành thủy thì mũ, áo có màu xanh; năm hành hỏa thì mũ, áo có màu đỏ, năm hành thổ thì mũ, áo có màu đen.
Để giản tiện, đôi khi, người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) và kèm theo một chiếc áo, một đôi hia bằng giấy. Những đồ "vàng mã" này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó, người ta lập bài vị mới cho Táo Công.
Theo quan niệm của dân gian, cá chép là phương tiện để giúp các Táo Quân chầu trời. Vì vậy, đồ cúng ông Táo không thể thiếu cá chép. Tùy vào từng gia đình có thể dùng cá chép sống hoặc cá chép giấy để cúng ông Công ông Táo.
Thường thì ở miền Bắc, người ta sẽ cúng ông Táo bằng cá chép sống thả trong chậu nước với ngụ ý "cá chép hóa rồng", còn ở Nam bộ, người ta dùng cá chép giấy nhiều hơn.
Nếu như gia đình cúng cá chép sống thì sau khi thực hiện xong lễ cúng cá chép sẽ được phóng sinh như hình thức tượng trưng gửi cá chép đưa ông Táo về chầu Trời.
Ngoài các vật phẩm kể trên, trong lễ cúng ông Công ông Táo còn có mâm cỗ mặn, ngọt. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp không cần quá cầu kỳ nhưng phải đảm bảo sự chỉn chu, trang trọng nhằm thể hiện tấm lòng của gia chủ.
Mâm cỗ cúng ông Táo thường bao gồm những đồ sau: hoa quả, hương vàng, rượu nước, bánh kẹo, mâm cỗ mặn. Tùy vào điều kiện thực tế để chuẩn bị mâm cỗ mặn phù hợp văn hóa, kinh tế của gia đình.
Theo truyền thuyết dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm ông Công, ông Táo hay Táo Quân sẽ về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng chuyện của mỗi gia đình ở hạ giới.
Vì vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình để báo cáo công việc với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để quyết định sự thịnh, suy của gia đình trong năm tới.
Do đó, vào dịp, các gia đình sẽ làm lễ cúng thịnh soạn tiễn đưa Táo Quân. Bài cúng ông Công ông Táo như "tiếng lòng" hy vọng Táo Quân sẽ thay họ báo cáo những việc tốt, "nói giảm, nói tránh" những việc chưa tốt với Ngọc Hoàng. Đồng thời, bài cúng phải thể hiện được mong muốn của gia đình một năm mới vạn sự hanh thông, gia đình mạnh khỏe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.