“Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Con cò không nhác sao gọi cò ma?
Con cá không thờ sao gọi cá linh?”…
Giả thiết thứ hai cho rằng loài cá này có tánh linh đặc biệt. Sau một thời gian chu du khắp miền sông nước Cửu Long, đến ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch là chúng lại quay về nguồn cội.
Lứa đầu tiên gọi là cá “lên rào”, tiếp theo chúng đồng loạt đổ ra sông gọi là cá “đông ken”. Đặc biệt năm nào vào thời điểm này có mưa, chúng liền hoãn lại chuyến đi. Chính vì vậy mà dân gian mới gọi là “cá linh”.
Xuồng ghe đánh bắt cá linh ở miền Tây mùa nước nổi.
Một giải thích khác xuất phát từ cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển. Cụ ghi “Cá linh, tên một giống cá nhỏ con, mùa nước đổ từ trên Nam Vang xuống, nhiều không biết cơ man nào mà nói.
Theo Excursions et Reconnaissances, q, X, Mai - tháng 6.1885, tr.178, Nguyễn Ánh từ Vàm Nao định ra biển, nhưng vì thấy cá nầy nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai, vì vậy người đặt tên “cá linh” để tri ân”(1). Theo lời kể của các bậc tiền bối, xưa kia, mỗi năm đến mùa nước nổi, cá linh từ thượng nguồn sông Mê Công theo dòng nước rồi lan tràn trên các sông rạch và ruộng đồng.
Trong suốt chặng đường dài, từ con “cá mén” chúng đã trở thành con to bằng đầu ngón tay, ngón chân, để rồi đến nửa tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch, khi con nước giựt dần (nước kém) từng đàn cá linh đua nhau từ ruộng đồng, kinh rạch ào ạt tuôn ra sông cái, sông lớn để quay về thượng nguồn, người trong nghề gọi là “cá ra”.
Nắm bắt được quy luật tự nhiên của loài thủy sản này, bà con chuẩn bị tay lưới dọc theo các tuyến sông, tuyến rạch để đánh bắt cá linh. Từ xa xưa, bà con sống dọc theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu luôn coi cá linh là nguồn thực phẩm phong phú, dồi dào.
Cụ Trịnh Hoài Đức, tác giả “Gia Định Thành thông chí” cho rằng: “Cá linh là một sản phẩm kinh tế quan trọng của Nam bộ, đặc biệt dùng để ủ nước mắm hoặc làm mắm rất ngon”. Tác giả Nguyễn Văn Kiểm và Huỳnh Minh có đoạn tả: “Hằng năm đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước sông Cửu Long bắt đầu quay, hiện lên một màu đục ngầu.
Thời gian nầy cá linh nở li ti và cũng bắt đầu từ giờ phút đó, chúng rời khỏi quê cha đất tổ, thả lênh đênh trên dòng nước rồi trôi dạt lần lần đến Tân Châu, điểm đầu nguồn sông Tiền và miền Hậu Giang. Bắt đầu từ thượng tuần tháng 10 âm lịch, chúng giã từ chỗ tạm sống ngược dòng trở về quê. Lúc ấy cá linh lên xanh nước gọi là “cá linh đua””(2). |
Hằng năm, kể từ khi “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” dọc theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là Đồng Tháp Mười, Long An và vùng Tứ giác Long Xuyên, cá linh bắt đầu tràn về các kinh rạch, ao hồ, đồng ruộng không biết cơ man nào mà kể, tạo cho mùa nước nổi không khí sôi động khác thường.
Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho bà con vùng lũ tài sản vô cùng quý giá mà ít nơi nào có được. Nhiều bậc lão nông tri điền đã từng gắn bó với nghề lúa nước kể rằng trước năm 1980 cá linh rất nhiều. Cá bắt được, ăn không hết, bà con ủ làm nước mắm hoặc làm mắm dự trữ dành cho mùa khô hạn.
Nước mắm cá linh rất thơm ngon và phổ biến. Hiện nay, một số cư dân miền sông nước Cửu Long vẫn còn ủ cá linh để chế biến nước mắm truyền thống dùng quanh năm. Thời Pháp thuộc, trong những năm đồ khổ, nhiều người còn nấu cá linh để lấy mỡ thắp đèn.
Mùa sinh sản của cá linh thường bắt đầu từ tháng năm. Cá con nở ra sẽ lớn dần theo con nước và khi mùa mưa xuống mát mình, cá con lần theo các sông, rạch rồi tràn vào các biển lúa mênh mông để tiến hành một cuộc phiêu lưu vạn dặm.
Người bơi xuồng đụng phải luồng, xem cá nhảy lao xao mà đoán biết năm đó cá linh nhiều hay ít. Đến khi trời chuyển sang thu, tiết trời se lạnh, điên điển vàng đồng, mực nước rút dần cũng là lúc con cá trưởng thành, bụng đầy mỡ và lấp lánh ánh bạc, mọi người tha hồ đánh bắt.
Cụ Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Tháng 10 là mùa cá linh, nó theo nước trên Cao Miên xuống, nhiều vô số kể. Tại phía trong trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc” (3).
Xưa nay phương tiện đánh bắt cá linh phổ biến nhất là lưới giật, chài, đặt dớn và đóng đáy. Hằng đêm, tại các huyện đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp, bà con ngư dân thắp đèn tung lưới cho đến thâu đêm. Cá “linh mén” còn gọi là linh non, linh sữa rất thơm ngon và bán giá cao nên bà con tích cực khai thác để tăng thu nhập.
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi ở miền Tây.
Vào mùa cá linh bà con thường bơi xuồng ra chỗ đóng đáy mang theo lu, khạp đựng cá. Mỗi lần lưới kéo lên, cá nhảy xoi xói, chủ đáy chỉ cần xúc cá đổ đầy khạp tính tiền.
Người mua nhanh chóng rắc muối lên miệng khạp rồi chở về ủ, nấu rồi lược lấy nước cốt cho vào chai, tĩn để dùng mùa này qua mùa khác. Bây giờ thì cá linh trở thành đặc sản trong các nhà hàng, nên chuyện ủ mắm đã ít đi! Cá linh ngày nay trở thành món ăn phổ biến và có tên trong các thực đơn sang trọng. Cách nay 10 năm, giá mỗi ký cá linh chỉ có vài chục ngàn đồng, năm nay, hiện giờ lên đến 250.000 đồng/kg mà vẫn hút hàng.
Từ canh chua cá linh nấu bần, cá linh non chiên giòn, cá linh nhúng giấm, cá linh nướng muối ớt, các linh kho mía, cá linh kho mẳn bằm xoài cho tới cá linh kho mắm chấm bông điên điển… đều là những món ngon dân dã và thấm đậm tình quê. Gần đây, một số nhà máy còn sản xuất món cá linh đóng hộp rất được ưa chuộng.
Theo quy luật tự nhiên, năm nào mực nước cao, năm đó nguồn thủy sản trở nên dồi dào; ngược lại, lũ nhỏ, lũ muộn sẽ làm cho sản vật thiên nhiên giảm đi. Tuy nhiên, không phải nước dâng càng cao càng tốt. Theo kinh nghiệm của các bậc lão nông tri điền, năm nào mực nước dưới 4 mét, năm đó dễ kiếm sống; còn như trên 4 mét sẽ trở thành thiên tai.
Do đó, mỗi khi mực nước dâng cao vừa phải, không gây tác hại, cá tôm hào sảng, mọi người chủ động đón lũ, ai nấy cũng được mùa làm ăn, nhiều người gọi đó là “mùa vàng”, mùa “lũ đẹp”.l.
...........................................................................................................................
(1) Nguyên văn tiếng Pháp “le roi donna poisson le nom de “linh” qui indique son caractere surnaturel”
(2) Nguyễn Văn Kiểm và Huỳnh Minh - Tân Châu Xưa, NXB Thanh Niên, 2003, trang 81.
(3) Nguyễn Hiến Lê – Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, NXB Long An, 1989, trang 85.
Hoài Phương (Báo Cần Thơ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.