Ngày Độc lập 2/9/1945 qua lời kể của các nhân chứng nước ngoài

Lê Tiên Long Thứ tư, ngày 02/09/2020 14:00 PM (GMT+7)
Trong Ngày Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 2/9/1945, có khá nhiều người nước ngoài đã có mặt ở Hà Nội chứng kiến và trở thành những nhân chứng lịch sử.
Bình luận 0

Trong số đó, có thể kể đến viên thiếu tá của OSS (Cục Tình báo Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) là Allison Thomas, cùng đội Con Nai (Deer) đã nhảy dù xuống chiến khu của Việt Minh và cùng đoàn Giải phóng quân của Việt Minh từ Tuyên Quang về Hà Nội, đoàn OSS của thiếu tá Archimedes L.A. Patti từ Côn Minh, Trung Quốc bay bằng máy bay qua ngày 22/8. Ngoài ra, còn có đại diện của Liên xô bên cạnh quân đội Đồng Minh tại Việt Nam là Stéphane Solosieff, đại diện quân đội Trung Hoa Dân quốc có mặt trước khi đội quân của tướng Lư Hán sang giải giáp quân Nhật, nhóm đại diện của quân đội nước Pháp tự do của tướng De Gaule của Jean Sainteny.

Bên cạnh đó, ở Hà Nội vẫn còn sự hiện diện của hàng vạn quân Nhật thua trận, dưới sự chỉ huy của trung tướng Yuitsu Tsuchihashi.

Người đại diện cho phe thắng trận của nước Pháp, thiếu tá Jean Sainteny, sau này trở thành đại diện cho chính phủ Pháp tại Việt Nam và đóng nhiều vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng hòa bình với chính phủ nước ta, trước khi cuộc chiến giữa Việt Nam và Pháp bùng nổ.

Trong những ngày cuối tháng 8/1945, khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Sainteny đã được quân đội Nhật đưa vào Dinh Toàn quyền Đông Dương (Phủ Chủ tịch nước hiện nay) và giam lỏng tại đó. Tuy nhiên, nhờ được ở tại dinh thự lịch sử nằm ngay kề bên quảng trường rộng lớn mới được thị trưởng Trần Văn Lai đổi tên là Vườn hoa Ba Đình này, mà ông đã được chứng kiến trực tiếp ngày Độc lập của đất nước Việt Nam mới.

Jean Sainteny: “Vài trăm nghìn người tham gia Ngày Độc lập”

Ngày Độc lập 2/9/1945 qua lời kể của các nhân chứng nước ngoài - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jean Sainteny năm 1946.

Jean Sainteny kể lại trong cuốn hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, xuất bản năm 1954 (NXB CAND, 2005, Lê Kim dịch): “Ngày 2/9 là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quá trình nắm chính quyền của Chính phủ Cách mạng Việt Minh. Một lễ mít tinh khổng lồ trong “Ngày Độc lập” được loan báo từ trước, coi như điểm chủ chốt trong hàng loạt sự kiện tiếp theo”.

Ông miêu tả: “Trên bục gỗ cao dựng lên trong công viên Puginier (tên thời thực dân Pháp, đã được đổi tên thành Vườn hoa Ba Đình), trước hàng vạn người, một loạt diễn giả đã phát biểu bằng những lời lẽ mạnh mẽ theo các mức độ khác nhau”.

“Lần lượt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu rồi Hồ Chí Minh mà ngay hôm đó quần chúng nhân dân được biết đây chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc, long trọng tuyên bố nền Độc lập của Việt Nam”, vị thiếu tá tình báo viết.

Jean Sainteny cũng xác nhận trong bức điện báo cáo gửi về Côn Minh ngay sau đó, ông ước tính có vài trăm nghìn người tham dự cuộc mít tinh ngày 2/9. 

“Thực ra, khó ước lượng được con số chính xác. Nhiều tỉnh đã cử đại diện về dự trong những bộ quần áo màu sắc các địa phương. Nhiều linh mục đạo Gia-tô cũng tới dự, đứng ở vị trí cao. Trật tự trong buổi diễu hành, và nhất là không thấy có những tiếng hò hét phản loạn, thù địch là một trong những biểu hiện rất đáng ghi nhận”.

Đứng trong dinh Toàn quyền, Sainteny chứng kiến đoàn diễu hành của nhân dân ở vị trí rất gần. “Những người diễu hành đi theo đại lộ Brière de l’Isle (đại lộ Hùng Vương ngày nay) ngay trước cổng dinh Toàn quyền, và chúng tôi không thấy có một cử chỉ thù địch nào hướng về chúng tôi, cũng như về phía dinh là tòa nhà tượng trưng cho chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”.

Đặc biệt, những tường thuật của ông Sainteny có những chi tiết khá thú vị: “Phái đoàn đại diện Mỹ cũng có mặt. Hai chiếc máy bay tiêm kích Mỹ Lightning bay lượn rất lâu trên đoàn người dự mít tinh ở độ thấp. Sự kiện này được cơ quan tuyên truyền của chính phủ mới cho rằng đây là biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Minh”.

Thiếu tá Patti khen chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy”

Ngày Độc lập 2/9/1945 qua lời kể của các nhân chứng nước ngoài - Ảnh 2.

Thiếu tá Archimedes L.A Patti

Archimedes L.A. Patti (1914-1998) nguyên là trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS, đóng tại Trung Quốc. Tháng 8/1945, sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, ông là trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ vào Bắc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt giữ và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật.

Trong cuốn Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ (Why Viet Nam? - Prelude to America's Albatross) của ông (University of California Press xuất bản năm 1980, NXB Đà Nẵng in năm 2008, Lê Trọng Nghĩa dịch), Patti kể lại chi tiết diễn biến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên lễ đài Độc lập trưa ngày 2/9/1945 mà ông trực tiếp chứng kiến:

Ông Hồ ngồi yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe, nắm lấy từng lời. 

Dù Patti không có phiên dịch, nhưng trước đám đông ồn ào, Patti vẫn biết rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói gì. Tuy nhiên, ông nhận xét: “Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng”.

Theo những điều Patti viết trong sách, thì nhóm OSS của ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến khu vực lễ đài dành cho quan khách, nhưng họ đã từ chối và chỉ đi xem buổi lễ chỉ như một người quan sát trong quần chúng. Từ vị trí này, ông nhận thấy có những toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh den, có cả các chức sắc mang khăn quàng và giải viền đỏ.

Cách họ không xa, là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ.

Là quân nhân, Patti quan sát và mô tả kỹ lực lượng vũ trang của nước Việt Nam mới trong ngày trọng đại này: Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội của Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ”.

Ở đó còn có các đơn vị “tự vệ”, dân quân mặc áo lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn, từ súng kíp, gươm, dao rùa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… Có thứ hình như họ mới lấy từ các đình, chùa ở làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động...

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”

Patti tiếp tục mô tả diễn biến trong buổi trưa lịch sử 2/9/1945 ấy: Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức. Nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phấp phới cả cái biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay.

Ngày Độc lập 2/9/1945 qua lời kể của các nhân chứng nước ngoài - Ảnh 3.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô “bồng súng, chào”, quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đằng sau cái bao lơn được trang trí bằng màu trắng và đỏ.

Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn, mặc áo kaki màu sẫm và có cái gì như là cái khăn trùm đầu - đó là Hồ Chí Minh.

Ông Hồ tiếp tục: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Sau đó, quay về bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp năm 1791, nói về quyền con người và quyền công dân, ông Hồ nói:

“Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Đến khoảng 2 giờ, ông Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn. 

Tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá.

Trong các vấn đề quan hệ đối ngoại, ông Giáp đã vạch ra rằng Mỹ và Trung Quốc là những đồng minh đặc biệt và liên tục ủng hộ đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. 

Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Lâm thời Việt Nam...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem