Nhiều vi phạm trong việc cho và nhận con nuôi

Thứ năm, ngày 10/11/2011 16:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện tiêu cực trong việc cho trẻ em, trẻ sơ sinh làm con nuôi.
Bình luận 0

Vụ gần đây nhất, tháng 9.2011, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã làm rõ hành vi mua bán trẻ em của 3 đối tượng. Xuất phát từ việc bắt quả tang Bùi Thị Thuận (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) đang nuôi giữ tại nhà một cháu bé khoảng 1 tháng tuổi, công an đã làm rõ, bắt giữ thêm vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Chi (ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng), nguyên hộ lý Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Cả 3 đã bán tổng cộng 6 trẻ sơ sinh.

Bà Chi khai nhận, trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, bà và chồng đã vờ xin trẻ sơ sinh về nuôi từ các sản phụ sinh con ngoài ý muốn. Sau đó, bà thuê Thuận chăm sóc rồi tìm khách bán từ 5-35 triệu đồng/cháu.

Trước đó, tháng 9.2009, TAND tỉnh Nam Định xử vụ án lập 266 hồ sơ giả đưa trẻ ra nước ngoài làm con nuôi xảy ra ở Trung tâm Trợ giúp nhân đạo huyện Ý Yên và Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh - một trong những vụ án gây chấn động dư luận mà Báo NTNN đã có loạt bài điều tra trước đó.

Từ năm 2005 đến tháng 7.2008, các bị cáo thuộc 2 Trung tâm trên đã có hành vi thông đồng với một số trạm trưởng và nhân viên các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Nam Định, thu gom trẻ em, lập 266 hồ sơ giả về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại các trạm y tế rồi làm thủ tục cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài. Đổi lại, trung tâm được “ủng hộ” 500USD hoặc 10 triệu đồng/cháu từ cha mẹ nuôi.

Cũng trong năm 2009, tại tỉnh Lâm Đồng, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật và lang thang cơ nhỡ Tia Sáng đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi bán trẻ ra cộng đồng với giá từ 20- 25 triệu đồng/trẻ.

Hiện nay, có một thực tế cũng cần đề cập là khi có được “đơn đặt hàng” từ những cặp vợ chồng hiếm muộn, những kẻ xấu có thể lợi dụng kẽ hở pháp luật để tìm cách “hợp thức hóa” những trẻ em bị chúng bắt cóc (nhất là trẻ sơ sinh) bằng cách: Đưa các cháu bé này vào trong các trung tâm bảo trợ xã hội (hiện có ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước) dưới dạng trẻ vô thừa nhận, trẻ bị bỏ rơi... Sau đó, cùng với sự tiếp tay của các nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội, đứa trẻ bị bắt cóc sẽ có giấy tờ hợp lệ với lý lịch mới. Và khi các thủ tục đã hoàn tất, cha mẹ nuôi – những “người đặt hàng” – có thể đường hoàng tới trung tâm bảo trợ xã hội để xin nhận con nuôi về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem