Nhìn nhận công bằng, khách quan về vương triều Mạc như các triều đại khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam

An Lâm Chủ nhật, ngày 10/12/2023 12:05 PM (GMT+7)
Đó là quan điểm chung của hàng trăm nhà sử học tới dự Hội thảo khoa học quốc gia "Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam" do UBND TP. Hải Phòng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 9.12 tại TP. Hải Phòng.
Bình luận 0

 Trước những định kiến về một "Ngụy triều" của các sử gia thế kỷ 17, 18, tại Hội thảo này, các nhà sử học đã đưa ra nhiều bằng chứng và kiến giải về hoàn cảnh lịch sử của sự thay đổi vương triều và những đóng góp của nhà Mạc (1527-1592) với tiến trình phát triển, chuyển đổi ý thức hệ của phong kiến Việt Nam thế kỷ 16.

Nhìn nhận công bằng, khách quan về vương triều Mạc như các triều đại khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam - Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu, nhà sử học trên khắp cả nước

Hội thảo khoa học quốc gia có sự tham dự của ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và nhiều chuyên gia hàng đầu của giới sử học nước nhà như: GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS Nguyễn Văn Kim, PGS.TS Vũ Văn Quân (Đại học quốc gia HN); GS.TS Đinh Khắc Thuân, PGS-TS Trần Thị Vinh (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN), Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng đại diện Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đông đảo các nhà nghiên cứu trong cả nước; đại diện Mạc tộc và các dòng họ Trần, Mạc, Vũ.

Những tiến bộ thời nhà Mạc

Phát biểu đề dẫn GS.TSKH Vũ Minh Giang, cho biết: trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm hai giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 – 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 – 1677).

Hải Phòng là nơi phát tích của Vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà.

Nhìn nhận công bằng, khách quan về vương triều Mạc như các triều đại khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam - Ảnh 2.

GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học quốc gia "Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam"

Dấu ấn sâu đậm nhất, theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, vị vua đầu tiên của Vương triều Mạc là Mạc Đăng Dung đã nhận thấy những hạn chế trong khuôn mẫu cơ chế vận hành của một thiết chế chính trị tập quyền cao thời Lê sơ nên lựa chọn xác lập một con đường và mô hình phát triển mới để hóa giải những mâu thuẫn khuynh hướng chính trị trong xã hội Đại Việt thế kỷ 15. Ngài nhận thấy không thể tiếp tục duy trì tư tưởng độc tôn Nho giáo nên đã chủ trương duy trì một cơ chế đa dạng về tôn giáo. Thời điểm này tam giáo Nho, Phật, Đạo đều song hành tồn tại. Tư duy của Ngài thể hiện sự mẫn cảm chính trị, khả năng thích ứng cao với thực tế xã hội.

Cùng với đó, xuất thân từ vùng ven biển nhiều đời gắn liền với việc khai thác biển, các vua Mạc nhìn chung đều thực thi một "chính sách hướng Đông" tương đối mạnh mẽ. Đặc biệt, nhà Mạc còn ghi dấu ấn với những chính sách nội thương và ngoại thương. Kinh tế công thương thời Mạc tiêu biểu nhất là ngành gốm sứ. Vượt ra khỏi những định chế của một loại hình sản phẩm thủ công, gốm Mạc đã trở thành một sản phẩm hàng hóa và hơn thế còn là sản phẩm xuất khẩu của Đại Việt.

Cũng tại hội thảo, GS.TS Đinh Khắc Thuân đã chia sẻ một số hình ảnh mới về các văn bia thời Mạc, là nguồn tư liệu quý và có ý nghĩa cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình hình kinh tế, chính trị - xã hội thời Mạc.

GS.TS Thuân cho biết, giới sử học đã sưu tập được 186 bia, trong đó có 182 bia có niên hiệu của nhà Mạc. Hầu hết các bia được tìm thấy ở khu vực châu thổ sông Hồng. Ông đã dịch hầu hết các bia và sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin quý báu này tới các nhà sử học đang nghiên cứu về vai trò của nhà Mạc trên nhiều lĩnh vực.

Nhìn nhận công bằng, khách quan về vương triều Mạc như các triều đại khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam - Ảnh 3.

GS.TS Đinh Khắc Thuân chia sẻ về văn bia thời Mạc tại Hội thảo

Việc tìm thấy nhiều văn bia thời Mạc cho thấy vua nhà Mạc đã có những dấu ấn ở các làng xã. Trước đó, bia rất hiếm hoi ở giai đoạn Lý, Trần, Lê sơ. Sự phổ biến về văn bia làng xã thời Mạc là sự mở đầu để văn bia làng xã rực rỡ ở các giai đoạn sau. Việc sử dụng niên hiệu nhà Mạc phản ánh rõ nét thái độ của tầng lớp nhân dân đương thời và như vậy uy thế của nhà Mạc đã được ghi nhận ở phần lớn đất nước lúc bấy giờ.

Khẳng định vị trí của vương triều Mạc trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc

Các tham luận khác cũng nhấn mạnh, giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, Triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê – Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.

Trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học – công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi.

Nhìn nhận công bằng, khách quan về vương triều Mạc như các triều đại khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam - Ảnh 4.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại hội thảo.

Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại nhà Mạc từng bước được nâng lên. Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn, cho thấy cả những mặt tích cực và hạn chế của Nhà Mạc, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về công lao, đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.

TS Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc bày tỏ, sau nhiều biến động, thế kỷ 16-17 con cháu nhà Mạc phải thay tên đổi họ lưu lạc khắp đất nước. Giờ đây, tất cả đều tìm về nguồn cội và bày tỏ khát vọng "Phải nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, đánh giá đúng sự thật".

Hội thảo thu hút 58 tham luận chất lượng. Tại hội thảo có 10 tham luận được trình bày và 8 lập luận thảo luận. Nội dung các báo cáo tham luận rất đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh về thời Mạc và Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Qua đây có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.

Những năm qua, nơi phát tích của vương triều Mạc cũng có sự đầu tư để nhận diện lại một vùng đất rực rỡ trong quá khứ.

Nhiều di sản nhà Mạc để lại đã được tôn vinh, như xây dựng Khu tưởng niệm trên địa bàn cố đô Dương Kinh xưa, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thệ (Di sản văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo là việc làm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh của Vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22/12/1483). Tại thành phố Hải Phòng, trong những năm qua, chính quyền và nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể, nhằm tôn vinh sự đóng góp và những di sản của Vương triều này để lại.

Tiêu biểu là các cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc hoặc dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ Lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản đầu năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử) và nhiều nhà khoa học đã xuất bản những ấn phẩm về Vương triều Mạc.

Kết luận Hội thảo quốc gia với 8 luận điểm quan trọng, GS-TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh 2 luận điểm: Cần nhìn nhận triều Mạc bình đẳng khách quan như các triều đại phong kiến khác ở Việt Nam; Kết quả của Hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, quan điểm khách quan, toàn diện về sự đóng góp của Vương triều này và giới sử học sẽ có những đánh giá xứng đáng, được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta và sách giáo khoa.

"Vương triều Mạc – câu chuyện quan điểm, góc nhìn, thái độ trong nghiên cứu hàng chục năm trời qua đã có nhiều điều chỉnh. Chúng ta tiếp cận theo hướng công bằng hơn, khách quan hơn. Tuy nhiên, tôi cũng thấy việc nghiên cứu về vương triều Mạc để có cái nhìn công tâm, khách quan, đầy đủ về những đóng góp và vị thế của vương triều này trong lịch sử Việt Nam thì mới bắt đầu khởi sự mà thôi. Chắc chắn, những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, nhân vật lịch sử, sự kiện liên quan đến vương triều Mạc sẽ vẫn là đề tài thú vị thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học...

Triều Mạc có sự vĩ đại riêng, không cần chúng ta phải khen mới vĩ đại. Nếu không vĩ đại sao tạo dựng được một triều đại gần cả trăm năm của đất nước. Không vĩ đại sao đóng góp và tồn tại được như vậy".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem