Hoàng Ba Đình
Thứ tư, ngày 17/11/2021 08:09 AM (GMT+7)
Âm thanh đường sắt có lẽ là một trong những âm thanh chói tai nhất. Ai không tin, xin cứ việc kiếm chỗ nào gần đường ray mà ngủ, cứ vài chục phút, một tiếng... lại nghe tàu chạy ầm ầm ngang đấy, rồi lại giật mình thảng thốt. Mà tàu chạy có phải chạy không thôi đâu? Thỉnh thoảng còn kéo còi dài hun hút...
Nhưng với những người sống ven đường sắt lâu năm, tiếng xe lửa đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi mỗi đêm mà không nghe thấy tiếng tàu chạy lại ngủ không yên. Hiện tượng này rất phổ biến, không chỉ với âm thanh đường tàu, mà còn với những âm thanh khác.
Ông nào nhà ngay đường quốc lộ, lại quen tai với tiếng xe tải, container chạy ầm ĩ. Những người ở ven sông lớn, lại nhớ tiếng "ục ục" của các ghe chạy đêm. Có bà lại ghiền tiếng ngáy của ông chồng.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tú Xương đã viết trong bài "Sông Lấp" để kể về nỗi thổn thức khi nhớ về tiếng gọi đò quen thuộc:
"Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò."
Bởi vậy, trong suốt mấy tháng dịch vừa rồi, không hiếm những hộ dân sống ven đường sắt ở Sài Gòn lại cảm giác thiếu thiếu, trống vắng... đến khó tả. Ngoài không khí ngột ngạt vì tình hình dịch bệnh, còn có cả nỗi nhớ tiếng đường sắt chạy hàng ngày.
Ông Hoàng Tùng (42 tuổi), một người dân sống ven đường tàu đường Trường Sa (Phú Nhuận) chia sẻ: "Hồi mới dời về đây, nói thật rằng cả nhà tôi mấy ngày đầu chẳng ngủ được. Con gái của tôi cũng không thể tập trung học bài.
Tiếng xe lửa chỗ khác còn đỡ, đàng này nhà tôi nằm gần cầu đường sắt. Tiếng xe lửa mà cộng hưởng với âm thanh khi qua cầu, nó còn dữ dội đến cỡ nào. Gia đình đã định dời đi tìm chỗ ở mới rồi đấy chứ. Nhưng ngày một ngày hai rồi quen.
Dần dà âm thanh đường tàu này dần trở nên quá quen thuộc với gia đình tôi. Đến nỗi mấy tháng liên tiếp không nghe tiếng xe lửa, tôi thấy như thiếu đi một điều gì đó. Tiếng xe lửa mới đầu là chói tai, sau thành quen tai, rồi trở nên quen thuộc. Từ quen thuộc, nay đã trở thành thân thuộc".
Chị Kim Thanh cũng ngụ gần đường tàu cho biết thêm: "Hồi tôi sanh thằng nhỏ, lúc nó mới từ bệnh viện về, cứ xe lửa chạy qua là nó lại giật mình thon thót. Nay sau một thời gian, nó đã quen rồi.
Mấy hôm không có xe lửa chạy, nó ngủ không yên, cứ cục cựa hoài. Vợ chồng lại lấy xoong nồi ra khua loảng xoảng, ấy vậy mà nó lại ngủ ngon. Hơi đâu mà lại khua nồi khua chảo mãi như thế được, nên tôi lấy máy tính, mở mấy đoạn âm thanh xe lửa chạy, thế nó mới yên giấc".
Đúng là tài thật. Xưa nay ru trẻ con ngủ, chỉ thấy các giai điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng, dân ca... theo kiểu "gió mùa thu, mẹ ru con ngủ"; hoặc mở những bản hòa tấu, cổ điển... để ru trẻ. Có ai ngờ được âm thanh xe lửa chát tai như thế, cũng có thể ru con nít ngủ được.
Nói vậy thôi, chứ chừng vài hôm, tất cả đều quen thuộc với sự im ắng, lặng lẽ của thành phố trong những ngày chống dịch.
Cùng một tuyến đường sắt Thống Nhất, ở Hà Nội có các sắc thái riêng, như mở hàng quán, ăn uống, thành điểm sống ảo... ngay sát đường tàu, khiến nhiều khách phương xa ngạc nhiên. Còn đường sắt khi đi qua Sài Gòn, cũng có những nét riêng biệt.
Như nhà ga, ai cũng biết ga Sài Gòn nay ở quận 3. Có điều, với người Sài Gòn, ga đấy là ga Hòa Hưng, còn ga Sài Gòn ngày xưa nằm ở ngay công viên 23/9 (quận 1).
Gọi "ga Sài Gòn" chưa chắc là người Sài Gòn, nhưng gọi "ga Hòa Hưng" đảm bảo là dân Sài Gòn, hoặc ở Sài Gòn lâu năm.
Giống như dân Sài Gòn luôn gọi "quận 1" là "quận Nhất" chứ không phải "quận Một", "quận 4" là "quận Tư" chứ không phải "quận Bốn". Hoặc ở Hà Nội, người Hà Nội cứ phải gọi ga Hà Nội bằng tên gọi "ga Hàng Cỏ".
Tiếp theo, khi gọi những điểm giao cắt đường sắt với đường bộ, có cách gọi khá riêng biệt: cổng xe lửa. Ví dụ: cổng số 6 giao với Lê Văn Sỹ, cổng số 9 giao với Trần Khát Chân, cổng số 11 giao với Thích Quảng Đức... Tất nhiên còn những cổng khác nữa, nhưng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, dân địa phương chỉ nhớ đến vài cổng thôi.
Cổng số 6 được nhắc nhiều nhất, bởi gần đấy có nhiều hàng ăn ngon thuộc hàng bá cháy: quán canh bún Mẹ Tôi, các hàng thịt chó, cháo lòng... Thậm chí, các hàng cháo lòng ở Lê Văn Sỹ đoạn gần cổng xe lửa số 6 còn đi vào thành ngữ: "Chè Kỳ Đồng, cháo lòng Lê Văn Sỹ" như những món ăn ngon trong vùng.
Hỏi thăm thêm về điều gì khiến người dân sống ven đường sắt khiến cuộc sống họ trở nên kỳ lạ thì họ cho rằng: "Có lẽ, đó chính là dù thấy xe lửa chạy trước mặt hàng ngày, mắt ngó thấy bao nhiêu là lượt hành khách, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đi xe lửa cả. Bạn có thấy thứ gì trước mắt bản thân hàng ngày, hàng giờ mà đến chạm vào nó cũng chưa chạm vào lần nào chưa?".
Nghe đâu, trong quy hoạch sắp tới, có thể ga Sài Gòn sẽ dời ra khu vực ngoại thành, điều này khiến nhiều người dân sống ven đường tàu vừa vui vừa buồn.
Một số người quyết tâm hết dịch phải đi xe lửa một lần để có thêm trải nghiệm với cái phương tiện hàng ngày đi ngang trước cửa như trên. Họ còn tính toán, để khi đi ngang nhà lúc nào, để người nhà ra trước cửa vẫy tay chào, chụp cho vài tấm ảnh để đăng facebook.
Xin kết lại bài viết với lời chia sẻ của anh Hoàng Tùng: "Trong mấy tháng dịch, xe lửa ngưng hoạt động, đỡ nhất là không phải thấy tai nạn đường tàu hoặc những người chán đời ra đường sắt tự tử. Tôi ở gần đây, thấy nhiều vụ rồi. Dù nhà ga có dời đi đâu, xây thêm các tuyến đường mới nào khác... thì cũng nên chú ý đến an toàn hành lang đường sắt. Thế thôi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.