Những điều lao động cần biết khi bị công ty nợ BHXH
Những điều lao động cần biết khi bị công ty nợ BHXH
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 13/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Mỗi năm có hàng chục nghìn lao động bị nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi, công việc của người lao động. Vậy khi bị nợ BHXH người lao động cần lưu ý những gì?
Lao động không thể tự chốt sổ BHXH để chuyển công ty
Một trong những vấn đề được nhiều lao động quan tâm nhất hiện nay chính là quyền lợi, chế độ khi tham gia BHXH, đặc biệt những vấn đề phát sinh khi công ty nợ BHXH.
Mới đây, tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề: "Chính sách pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội" do Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức nhiều công nhân đã đặt các câu hỏi có liên quan về vấn đề trên.
Anh Khuất Trọng Tuyển - Công nhân Công ty điện tử Giantsun Việt Nam hỏi: "Bạn tôi đang bị công ty nợ BHXH. Bạn tôi muốn chuyển công tác sang đơn vị khác, muốn chốt BHXH ở công ty cũ, xin hỏi bạn tôi có thể tự đi chốt BHXH được không? Thủ tục làm thế nào?".
Về vấn đề này bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông BHXH TP.Hà Nội chia sẻ, theo quy định, người lao động không tự chốt được sổ BHXH vì muốn chốt sổ phải có thông báo giảm mà chỉ chủ sử dụng lao động mới có thể báo giảm. Trừ khi đơn vị thực hiện báo giảm rồi, người lao động in lại sổ BHXH thì cơ quan BHXH sẽ có thể thực hiện chốt sổ được.
"Trong trường hợp đơn vị chưa thực hiện báo giảm, người lao động vẫn có thể thực hiện chốt sổ BHXH nếu lao động thực hiện chấm dứt Hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật. Người lao động có thể báo trước 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn", bà Châu nói.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm chốt, trả sổ BHXH cho người lao động. Như vậy chúng ta phải thực hiện theo từng bước một. Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy trình, quy định, chốt sổ BHXH thì người lao động mới được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lao động không tự ý đóng BHXH, mua BHYT được
Một số lao động khác thắc mắc trong trường hợp công ty nợ tiền BHXH, người lao động có thể tự đóng bảo hiểm xã hội, tự mua bảo hiểm y tế cho mình không?
Chia sẻ với bức xúc và khó khăn của người lao động, bà Dương Thị Minh Châu cũng cho biết thời gian qua tại Hà Nội có khá nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH của người lao động.
Theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho nhân viên đầy đủ và đúng thời hạn. Việc công ty nợ tiền BHXH thuộc vào các trường hợp bị nghiêm cấm khi tham gia BHXH, BHYT, trái với quy định của nhà nước.
"Theo Luật, phần tiền đóng BHXH là trích từ tiền lương của lao động, và một phần tiền doanh nghiệp đóng vào. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đóng BHXH cho công nhân, lao động. Do đó, lao động không thể tự đóng BHXH cho mình mà doanh nghiệp buộc phải đóng BHXH cho", bà Châu nói.
Tương tự lao động Nguyễn Thị Hằng - công nhân Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh 3 tại Hà Nội đặt câu hỏi: "Trong trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền BHXH thì người lao động được bảo vệ quyền lợi như thế nào?".
Theo bà Châu, các doanh nghiệp đã nợ BHXH là không đảm bảo được quyền lợi cho người lao động. Do vậy, nếu người lao động nghỉ việc mà doanh nghiệp chậm, nợ đóng BHXH thì các quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như không thanh toán được bảo hiểm thất nghiệp; không hưởng chế độ thai sản, ốm đau...
"Việc doanh nghiệp chậm đóng BHXH ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền lợi của người lao động. Việc này các anh chị có thể kiến nghị với tổ chức Công đoàn, Sở LĐTBXH hoặc cơ quan bảo hiểm để được xử lý, bảo đảm quyền lợi", bà Châu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.