Ninh Thuận: Vùng đất này toàn cát trắng, dân nghèo trồng "rau vua" mà nhà nào cũng nhanh khá giả

Thứ hai, ngày 12/04/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy, ít ai ngờ lại là lợi thế để thôn Tuấn Tú , xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) áp dụng khoa học- kỹ thuật, phát triển trồng rau màu mà nổi bật là trồng măng tây xanh, hình thành nên vùng sản xuất rau an toàn có tiếng.
Bình luận 0

Hơn nửa năm trước, chúng tôi đến thôn Tuấn Tú, xã An Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) tìm hiểu mô hình “Khu dân cư tự quản giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” thực hiện Dự án trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm...

Khi ấy các nông dân tham gia dự án này mới vừa xuống giống. Bây giờ trở lại đây vào đúng dịp Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức hội nghị sơ kết mô hình trên, chúng tôi ngạc nhiên trước kết quả ban đầu đem lại của dự án trồng măng tây xanh tại địa phương.

Ninh Thuận: Vùng đất này nắng muốn "bể đầu", dân hết đời làm làm thuê nhờ trồng "rau vua" - Ảnh 1.

Thu mua măng tây xanh tại HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Tuấn Tú là thôn đồng bào dân tộc Chăm có dân số 2.196 người (546 hộ). Với diện tích tự nhiên 458 ha, chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, Tuấn Tú chỉ có 137 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 65 ha ruộng lúa, còn lại là đất rẫy trồng rau màu các loại...

Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy, ít ai ngờ lại là lợi thế để Tuấn Tú áp dụng khoa học- kỹ thuật, phát triển trồng rau màu mà nổi bật là măng tây xanh, hình thành nên vùng sản xuất rau an toàn có tiếng. 

Theo đồng chí Ngô Chí Thiện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Hải, để thực hiện Dự án trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm, Mặt trận phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã; chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, Ban Quản lý thôn Tuấn Tú và Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú khảo sát, xét chọn được 24 hộ của thôn Tuấn Tú (trong đó có 11 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo) tham gia dự án. 

Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận từ nguồn kinh phí giảm nghèo bền vững năm 2019 của Trung ương MTTQ Việt Nam, từ đầu năm 2020, mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay không lấy lãi 15 triệu đồng/hộ trong thời hạn 3 năm.

Bên cạnh khoản vay trên, trong năm 2020, riêng 11 hộ nghèo tham gia dự án trên còn được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Phước quan tâm hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” huyện. 

Sau khi nhận vốn, các hộ khẩn trương làm đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất, chất lượng và giá trị sản phẩm măng tây xanh, xã An Hải nhân rộng mô hình lên thành cánh đồng lớn (35 ha) trồng măng tây xanh trên địa bàn thôn Tuấn Tú. 

Trong thời gian qua, do tình hình nắng hạn kéo dài và ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc ươm cây măng tây xanh giống và cung cấp giống măng tây xanh không đảm bảo thời gian thực hiện dự án. Tuy vậy đến nay 24 hộ đã xuống giống măng tây xanh và đang thu hoạch với tổng diện tích 3,9 ha.

Mỗi ngày trung bình một hộ thu hoạch được 7 kg măng tây /sào. Với giá măng tây xanh bình quân 50.000 đồng/kg, mỗi ngày bình quân HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua 273 kg măng tây xanh của 24 hộ trên với tổng số tiền 13,650 triệu đồng.

Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chia sẻ: Cây măng tây xanh đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng, bình quân HTX thu mua sản phẩm mỗi hộ khoảng 3-4 tấn măng tây xanh/năm, tương đương 160 triệu đồng/năm.

Tham gia vào dự án, 24 hộ lập ra Tổ hợp tác liên kết sản xuất Tuấn Tú, cùng mua chung, bán chung thành chuỗi giá trị, được Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm măng tây xanh. 

Ngoài thu nhập và lợi nhuận mỗi tháng 8 - 9 triệu đồng, các thành viên trong tổ còn được đào tạo nghề ngắn hạn về quy trình, kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi, khuyến nông, ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm… 

Hiện nay, tất cả các hộ tham gia thực hiện mô hình đã phát triển kinh tế ổn định và đã tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Đơn cử hộ bà La Thị Hoa, hộ nghèo của thôn, trồng được 2,5 sào măng tây, năm 2020 thu hoạch 3.026 kg, thu nhập 122 triệu đồng, cùng với thu nhập khác như chăn nuôi bò vỗ béo, trâu, bà đã thoát nghèo. 

Có những hộ tham gia dự án như hộ Kiều Thổi, Từ Công Trăng, Từ Thị Ngân, Châu Nga, Châu Thị Kim Thảo... xây nhà mới khang trang. Ông Châu Văn Lúa, thành viên của tổ, cho biết: Gia đình tôi trước chỉ làm thuê, làm mướn, nhưng từ cuối tháng 9-2019, được vay vốn dự án, tôi mạnh dạn đầu tư trồng 2 sào măng tây xanh, hiện tại đang cho thu hoạch với mức thu nhập của gia đình vào khoảng 150 triệu đồng/năm, gia đình tôi từng bước thoát nghèo.

Theo đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, trước khi dự án kết thúc, từ năm thứ 2 trở đi (năm 2021) vốn vay được thu hồi dần theo mức thu tuần tự 50% đối với hộ nghèo, 60% đối với hộ cận nghèo và 75% đối với các hộ khác. 

Vốn thu hồi sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Hải tiếp tục triển khai luân chuyển kinh phí cho vay các hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn khác. 

Để dự án tiếp tục thực hiện hiệu quả, Tuấn Tú phải nhân rộng diện tích trồng măng tây xanh giống Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm mới đủ đáp ứng. Vì vậy HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đề xuất Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, giống cây măng tây xanh cho các hộ tham gia dự án.

Bạch Thương (Báo Ninh Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem