Nông dân TP.HCM được hỗ trợ chính sách vay vốn nào để sản xuất nông nghiệp?
Nông dân TP.HCM được hỗ trợ chính sách vay vốn nào để sản xuất nông nghiệp?
Hồng Phúc - Thúy Liên
Thứ hai, ngày 21/10/2024 14:36 PM (GMT+7)
Nông dân, HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP.HCM có thể tận dụng ưu đãi từ 8 chính sách này để vay vốn, mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - ông Nguyễn Đức Lệnh, các doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM có thể tiếp cận 8 chính sách hỗ trợ về vay vốn.
Thứ nhất là chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỷ đồng. Lãi suất cho vay do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ, thường rơi vào khoảng 2-3%/năm.
Thứ hai là chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của quỹ trợ vốn xã viên HTX TP.HCM (Quỹ CCM). Theo đó, thành viên HTX được vay tối đa 100 triệu đồng, linh hoạt mức vay đối với pháp nhân HTX. Lãi suất tuỳ thời điểm từ 3-5%/năm.
Thứ ba là chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM. Đối tượng vay vốn là các hộ gia đình có hội viên nông dân tự nguyện tham gia dự án Nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ hợp tác có hội viên nông dân, HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ nông nghiệp, trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ký hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác.
Theo đó, đối tượng được vay vốn trên được vay ngắn hạn hoặc trung hạn tối đa 100 triệu đồng không đảm bảo tài sản. Mức phí cho vay cao nhất không quá 80% lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại.
Thứ tư là chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố cho vay. Đây là chính sách đặc thù của TP.HCM. Mức vốn vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng/dự án cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước (100% vốn nhà nước) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật HTX.
Thứ năm là chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống. Theo đó, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng được hỗ trợ 10-50% chi phí sản xuất giống.
Thứ sáu là chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây là chính sách đặc thù của TP.HCM. Theo đó, hộ nông dân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí chủ trì tư vấn xây dựng liên kết, tối đa 300 triệu đồng; hỗ trợ 30% vốn đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết, tối đa 10 tỷ đồng.
Thứ bảy là chính sách hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên và hỗ trợ lương lao động trẻ về làm việc tại HTX, liên hiệp HTX giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, lao động trẻ từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1/5 mức lương tối thiểu vùng.
Thứ tám là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Đây là chính sách đặc thù của TP.HCM. Theo đó, ngân sách Thành phố hỗ trợ 60 - 100% lãi suất cho chủ đầu tư để đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị, mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu,…
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp tại TP.HCM muốn hỗ trợ vay vốn cần chủ động, tích cực tiếp cận các chính sách vay vốn của nhà nước qua chương trình đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, UBND TP.HCM, truyền thông báo chí... để sớm nắm bắt và vay vốn kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.