Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Tiền Giang trồng nấm bổ dưỡng, có 11 sản phẩm OCOP 4 sao

Trần Đáng - Quang Sung Thứ bảy, ngày 14/09/2024 10:23 AM (GMT+7)
Bà Trần Thị Luôn là nữ nông dân của tỉnh Tiền Giang được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 với mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo thu tiền tỷ mỗi năm. Bà hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân.
Bình luận 0

Nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 đến từ Tiền Giang. Video: Quang Sung

Về ấp Phú Quý (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), nói tên bà Luôn không ai là không biết. Bà được biết đến là người trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hộ dân tại địa phương.

Trồng nấm đông trùng hạ thảo thu tiền tỷ mỗi năm

Bà Luôn tên đầy đủ là Trần Thị Luôn, sinh năm 1974. Bà từng tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM và có thời gian đi làm kế toán ở thành phố. Thời điểm đi học đại học, bà Luôn mong muốn ra trường tìm được công việc ưng ý, có thu nhập ổn định. Bà chưa từng nghĩ đến việc về quê làm nông.

Trồng nấm đông trùng có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, nữ nông là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Luôn là nữ nông dân của tỉnh Tiền Giang được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: Quang Sung

“Mình là con nhà nông, đặt mục tiêu đi học ra để đi làm, chứ lại đi về làm nông thì buồn lắm”, bà Luôn nói về suy nghĩ lúc đó.

Thế nhưng cũng không thoát khỏi cái duyên gắn bó với ruộng vườn, năm 2016 bà Luôn bắt tay nghiên cứu trồng nấm đông trùng hạ thảo. Mặc dù học đại học Nông Lâm TP.HCM nhưng chuyên ngành của bà là thủy sản, không liên quan đến trồng trọt. Do đó việc bà bén duyên với lĩnh vực nấm đông trùng cũng hết sức tình cờ.

“Thông qua tài liệu, tôi biết được lợi ích sức khỏe của nấm đông trùng hạ thảo. Đến năm 2016, tôi đọc được đâu đó thông tin “Việt Nam đã trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo”. Không biết vì sao từ khi biết thông tin này, nó thôi thúc tôi đi tìm hiểu về cách trồng loài nấm này”, bà Luôn chia sẻ.

Để trồng thành công loại nấm đắt tiền này, bà Luôn đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, tham gia các lớp học về nấm, vi sinh, chiết xuất… Sau hai năm miệt mài, bà đã nghiên cứu trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm. Bà thành lập Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân với mục đích gắn thương hiệu cho sản phẩm, bán ra thị trường được thuận lợi hơn.

Trồng nấm đông trùng có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, nữ nông là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 2.

Bà Luôn đang thăm các nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo, tại đây nhiệt độ luôn được duy trì khoảng 20 độ C. Ảnh: Quang Sung

Hiện tại công ty bà Luôn có 34 phòng nuôi nấm, mỗi ngày có thể cho thu hoạch hàng chục ký nấm tươi. Tại đây, bà đầu tư thêm các khu sơ chế, chế biến nấm đông trùng hạ thảo thành nhiều sản phẩm như nấm đông trùng sấy thăng hoa, nước yến nấm đông trùng, cháo nấm đông trùng, nước sốt nấm đông trùng…

Trồng nấm đông trùng có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, nữ nông là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 3.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân

Bà Luôn nghiên cứu và đưa ra thị trường khoảng 14 sản phẩm liên quan đến nấm đông trùng hạ thảo, trong số đó có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Trước khi thành công với mô hình nấm đông trùng hạ thảo, bà Luôn còn sản xuất các loại nhang thảo dược để xuất khẩu. Hiện tại, bà đang vận hành xưởng làm nhang với quy mô lớn, lúc cao điểm có đến hàng trăm công nhân làm việc.

Với sự nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi những cái mới có hiệu quả kinh tế cao để sản xuất, mỗi năm, bà Luôn thu về hơn 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp của bà Luôn đang tạo việc làm cho khoảng 300 lao động thường xuyên và thời vụ.

Trăn trở đưa quê nhà phát triển

Trò chuyện với bà Luôn, chúng tôi thấy được trăn trở của bà mong muốn giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Thời điểm bà mở xưởng nhang đã có hàng trăm lao động làm việc, tuy nhiên bà vẫn thấy chưa đủ; nhiều lao động tại địa phương vẫn chưa có việc làm ổn định.

Đó cũng là lý do bà quyết tâm nghiên cứu, trồng nấm đông trùng hạ thảo để mở công ty - mở ra một lĩnh vực mới để phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện tại công việc làm nấm tại Công ty Thiên Ân có khoảng 50 lao động tham gia làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.

Trồng nấm đông trùng có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, nữ nông là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 4.

Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân có khoảng 50 lao động làm việc chính thức. Ảnh: Quang Sung

“Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại công ty tôi vẫn còn một số công đoạn thủ công, tôi không muốn cơ giới hóa vì muốn giải quyết việc làm cho nông dân. Một số công đoạn như làm phôi, đóng hộp… mình có thể làm bằng máy, nhưng công nhân mình đang có, mình phải tạo việc làm cho người ta”, bà Luôn bộc bạch.

Trồng nấm đông trùng có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, nữ nông là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 5.

Công đoạn đưa phôi nấm vào hộp và bọc kín được thực hiện thủ công. Ảnh: Quang Sung

Hiện nay, bà Luôn đang tiếp tục mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực khác. Bà có một vườn thảo dược, chuyên bảo tồn và nghiên cứu các loài thảo dược quý. 

Từ khu vườn này, bà Luôn thành lập khu du lịch sinh thái nông nghiệp Vườn dược liệu xanh Thiên Ân theo hướng sức khỏe và chữa lành.

Không chỉ sản xuất giỏi, bà Luôn và công ty của bà luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt là đóng góp xây dựng cầu, đường phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hựu đánh giá, trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, vai trò đóng góp của bà Luôn và công ty Thiên Ân là rất rõ nét.

“Chị Luôn là cá nhân tiêu biểu, công ty của chị đã tạo công ăn việc làm cho lao động thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương. Công ty của chị đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP, trong năm 2025 dự kiến sẽ đăng ký sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh”, ông Khoa cho biết.

Chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất và bán sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, bà Luôn nói: “Hiện nay, người tiêu dùng chưa biết rõ về tác dụng của đông trùng hạ thảo. Người tiêu dùng chỉ biết đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng không biết vì sao tốt, trong đó có chất gì, do đó còn nhiều bất cập”.

Cũng theo bà Luôn, sự cạnh tranh của sản phẩm nấm đông trùng trên thị trường rất lớn. Có nhiều đơn vị sản xuất nấm đông trùng, do đó phải luôn luôn nâng cấp mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

“Công tác truyền thông về sản phẩm nấm đông trùng của mình cũng còn hạn chế, kinh phí tốn kém. Tôi mong muốn sản phẩm của mình được truyền thông rộng rãi để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng, giúp họ hiểu được lợi ích sức khỏe của nấm đông trùng hạ thảo”, bà Luôn bày tỏ.

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem