Nông dân xã Phong Quang ở Hà Giang khá giả lên nhờ trồng rau, hoa quả; trồng mía đường xuất khẩu
Nông dân xã Phong Quang ở Hà Giang khá giả lên nhờ trồng rau, hoa quả; trồng mía đường xuất khẩu
Thu Biên - Quỳnh Anh
Chủ nhật, ngày 26/03/2023 18:00 PM (GMT+7)
Xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có tiềm năng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Xã đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển cũng như lựa chọn nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có mô hình trồng dưa hấu, trồng mía, trồng khoai tây, trồng hồng không hạt...
Nhiều năm qua, những mô hình này vẫn luôn có sức sống bền bỉ trước biến động của thị trường hay dịch bệnh, giúp nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con.
Phong Quang là xã nông nghiệp với diện tích đất rộng, bằng phẳng, nhưng lại thiếu nguồn nước, trồng cây gì để đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình?
Đó là câu hỏi mà ông Lù Ngọc Khún, thôn Lùng Châu luôn đau đáu tìm lời giải. Không thể để phí đất, ông Khún đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, internet và nhất là từ các hộ dân đang trồng cây Thanh Long ruột đỏ tại địa phương và đã cho hiệu quả kinh tế.
Ông và gia đình đã mạnh dạn cải tạo hơn 1ha đất vườn quanh nhà trồng 1.000 trụ thanh Long ruột đỏ. Đến nay, qua gần 4 năm trồng, diện tích thanh long của ông Khún hợp đất, phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho thu nhập ổn định.
Vào mùa, thương lái đến tận vườn thu mua thanh long giá từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, so với trồng ngô hay rau màu giá trị kinh tế gấp nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Lù Ngọc Khún, thôn Lùng Châu, xã Phong Quang, Vị Xuyên cho hay: Trước đây chưa biết đến cây thanh long thì trên diện tích này gia đình tôi chủ yếu trồng ngô hay rau màu nhưng do ít mưa, đất khô nên hiệu quả kinh tế rất thấp, nhiều năm thiếu nước quá gia đình tôi còn để hoang.
Nhưng khi thấy một số hộ trồng thanh long và cho thu tốt, tôi đã đi học hỏi và mua giống về trồng thử, may cây hợp đất lại chịu hạn tốt, cũng dễ chăm sóc và đậu quả sau gần 4 năm trồng. Đến nay đã cho quả ổn định hàng năm, thương lái vào tận vườn mua với giá 14 nghìn đồng/kg, thu nhập gấp 5-6 lần các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích, gia đình tôi phấn khởi lắm.
Nhận thấy nhu cầu thị trường hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, ông Phạm Văn Quang thành phố Hà Giang đã thuê 5 ha đất của người dân xã Phong Quang để trồng khoai tây, dưa hấu, dưa lê.
Các mô hình này thuê chính lao động tại địa phương làm việc tại chỗ, tạo việc làm ổn định cho bà con trong xã, đồng thời ứng dụng tốt KHKT, trồng rau củ quả phủ màng nilon, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón sinh học giúp cây phát triển tốt, an toàn.
Ông Phạm Văn Quang - thành phố Hà Giang chia sẻ: Trước mắt, công ty sẽ thực hiện trồng mẫu trên diện tích 5 ha để sau này sẽ phát triển với quy mô rộng hơn. Sau khi thu hoạch khoai tây, dưa hấu xong chúng tôi bắt tay vào trồng hoa cúc thảo dược. Phong Quang có địa thế khá bằng phẳng nhưng ít mưa, thiếu nước, nên những doanh nghiệp chúng tôi luôn phải lựa chọn những cây trồng nào để hợp nhất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn xã Phong Quang hiện có nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng các loại dưa trên 50 ha; trồng thanh Long ruột đỏ 19,6 ha; trồng na 23,8 ha; trồng hồng không hạt 12,3 ha; trồng dứa hiện có 7 ha...
Hay xã hiện đang có các mô hình mô hình liên kết trồng mía đường xuất khẩu; trồng rau an toàn trong nhà lưới ứng dụng công nghệ 4.0; nuôi lợn thịt tại thôn Lùng Càng, quy mô từ 50-500 con; mô hình nuôi bò thương phẩm,…Cùng với đó, toàn xã thực hiện tốt chương trình CTVT với hơn 200 hộ đã thực hiện từ năm 2020 đến nay.
Để các mô hình phát triển, mang lại hiệu quả, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con. Tích cực ứng dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi, sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm rõ rệt.
Việc phát triển các mô hình kinh tế đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ Tịch UBND xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho biết thêm: Thực hiện theo định hướng của UBND huyện Vi Xuyên lựa chọn xã Phong Quang thành vùng nông nghiệp hàng hóa đặc trưng.
Xã thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất.
Đồng thời, xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; khuyến khích, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình có hiệu quả theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao.
Từ những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân xã Phong Quang vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao bền vững của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.