Kỳ lạ ở nơi cưỡi hổ như... cưỡi ngựa

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ tư, ngày 15/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia". Trong khi chờ hồi âm từ phía cơ quan chức năng, nhóm PV xin cung cấp thêm cho bạn đọc về một nơi khá đặc biệt ở Thái Nguyên, nơi hổ được nuôi như nuôi chó cảnh, người với hổ sống với nhau khá thân thiết.
Bình luận 0

Người và hổ sống như… bạn

Địa điểm trên do ông Nguyễn Khắc Th, một người dân ở phường Thịnh Đán, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên quản lý. Hiện nay, theo báo cáo của kiểm lâm địa phương, chỗ ông Th đang nuôi nhốt 6 cá thể hổ.

Giữa một khu dân cư đông đúc, ngay trung tâm thành phố, tiếng hổ gầm gừ đôi lúc vẫn vang lên, thậm chí đã từng có lần hổ xổng chuồng khiến người dân được phen thất điên bát đảo. Theo thông tin do chính ông Th từng tiết lộ, 6 cá thể hổ hiện nay đã được nuôi từ năm 2006, tức là 14 năm qua. Chủ nhà ban đầu mua 5 con hổ, sau đó một con bị chết. Chỗ hổ còn lại đẻ thêm được 2 con nhỏ. Do một số vi phạm về nuôi nhốt, quản lý hổ, ông Th từng bị kiểm lâm Thái Nguyên phạt 30 triệu đồng (vào tháng 9/2008).

Ông Th cũng tiết lộ với PV: Mỗi ngày gia đình bỏ ra gần 200.000 đồng để mua thức ăn cho hổ, chủ yếu là đầu gà. Như vậy, tính sơ sơ, chi phí chăm sóc 6 cá thể hổ mỗi tháng khoảng trên 5 triệu đồng.

Ở nơi cưỡi hổ như... cưỡi ngựa - Ảnh 1.

Người chăm sóc hổ chụp ảnh cùng hổ dữ.

Theo quan sát của PV, chuồng hổ được xây dựng trong khuôn viên khu đất với diện tích lên tới cả nghìn mét vuông, khách lạ đến được tham quan "ông Ba Mươi". Chủ nuôi chỉ nhắc nhở "không được mở cửa vào trong hoặc (chỉ) trèo cầu thang lên bên trên chuồng nhìn vào".

Để hạn chế hổ sinh sản, người nuôi đã tách các cá thể hổ đực - cái ra riêng. Theo chủ nuôi, đàn hổ này rất hiền sau thời gian nuôi nhốt. Có người nuôi còn cưỡi lên lưng hổ như cưỡi ngựa.

Tháng 12/2019, được sự đồng ý của chủ nuôi, PV Báo NTNN/Dân Việt đã tiếp cận chuồng nuôi, lúc này chỉ có 4 cá thể hổ. Chúng tôi được xem những bức ảnh người cưỡi hổ "nhong nhong" như cưỡi ngựa.

Những người ở lâu, chăm sóc con hổ này hàng ngày có thể cưỡi, tắm, vui đùa thoả thích với nó. Nhưng với người lạ, lúc trái gió trở trời lại trở nên khá nóng tính.

Chúng tôi gặp trực tiếp cả hai người từng chăm sóc bầy hổ. Trong nhà họ đều treo ảnh cưỡi hổ rất "oai phong", trong điện thoại vẫn lưu nhiều ảnh và video đang cưỡi hổ…

Ở nơi cưỡi hổ như... cưỡi ngựa - Ảnh 2.

Người phụ nữ tên C cùng chồng đến chăm sóc hổ ở Thái Nguyên từng cưỡi hổ để chụp ảnh và quay video.

Theo tiết lộ của một người trong cuộc - ông L - người hơn 10 năm đàn hổ chăm nuôi trong nhà ông Th: "Người nhà cũng chỉ cưỡi hổ ở trong khu vực chuồng trại là chính. Có lần, hổ xổng chuồng chạy vào tận khu vực Lũng Lim. Sau đó gặp ôtô, hổ sợ quá nên chạy vào chuồng gà nhà dân, lừa mãi nó mới vào lồng sắt rồi thuê xe cẩu cả hổ lẫn chuồng lên ôtô chở về".

Có hay không chuyện hổ từng xổng chuồng ?

Giữa tháng 5/2020, PV Báo NTNN/Dân Việt đã có mặt tại phường Thịnh Đán, TP.Thái Nguyên để xác minh lại việc hổ từng xổng chuồng, chạy vào khu dân cư. Tại đây, ít nhất 5 người dân đã trực tiếp "đối mặt" với hổ xổng chuồng, khi được hỏi họ đều kể khá tương đồng về câu chuyện xảy ra năm 2018.

Chỉ tay vào bức tường gạch mới được xây cao trên 2m, bà Q cho biết: "Khoảng 8 giờ sáng hôm đó, tôi thấy một con hổ nuôi của nhà ông Th xổng ra nhảy qua tường rào nhà tôi rồi chạy vào khu dân cư".

Bà Q còn kể, khu dân cư gần trang trại thường xuyên nghe thấy tiếng hổ gầm khiến họ rất lo sợ. Còn việc nuôi hổ đẻ trong trang trại PV được nhiều người dân xác nhận. Việc hổ sinh sản tại đây cũng được ông Th báo cáo kiểm lâm tỉnh và kiểm lâm cũng đã kiểm tra.

Ở nơi cưỡi hổ như... cưỡi ngựa - Ảnh 3.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên kiểm tra điểm nuôi nhốt hổ của ông Th (Trong ảnh: Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên trực tiếp “sờ” vào cá thể hổ). Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cung cấp.

Một nhân chứng khác, người thỉnh thoảng được chủ nuôi thuê làm cỏ trong khu trang trại nói: "Hôm hổ xổng ra có một chị tên T thấy nó ở lù lù đằng sau, mới chạy vội vào nhà đóng chặt cửa rồi kêu ầm lên".

Phóng viên đã tìm gặp vợ chồng bà T, là người phát hiện hổ đang rình bắt chó nhà mình. Bà kể, khi phát hiện thấy hổ, bà đã kêu toáng lên rồi chạy trốn vào nhà, chồng bà nghe thấy đã nhanh chóng cầm gậy đập to dọa hổ rồi dùng gạch ném... Sau đó hổ "nhảy qua bụi cây cao trên 2m" đi sang nhà hàng xóm.

"Con hổ nhìn thấy tôi nó bò lại, tôi ngó thấy nó tiến đến… Con đó to khoảng 3 tạ, họ bảo sao không quay phim nhưng lúc đó run sợ tưởng chết,còn quay gì nữa? Sau đó hàng xóm chạy tới, nó mới vào nhà bên kia, cũng may hôm đó buổi sáng trẻ con đi học hết, chứ nếu không thì...".

Các nhân chứng PV gặp đều kể: Sau khi để hổ xổng, chủ nuôi và hàng xóm đã đến xua đuổi, hổ đã chạy vào chuồng gà. Chủ nuôi đã thuê người hàn một chiếc cũi để ở cửa chuồng gà rồi "vừa nịnh vừa doạ nó" mãi, "ông Ba Mươi" mới bò vào cũi. Tuy vậy, khi phóng viên làm việc với UBND phường Thịnh Đán và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, đại diện hai cơ quan này là ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND phường và ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chi cục trưởng đều không xác nhận có sự việc hổ xổng chuồng chạy vào khu dân cư (?)

Cấp giấy phép nuôi hổ vì mục đích "sinh sản, thương mại" là sai

Trong cuộc làm việc với ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên về trường hợp nuôi hổ của ông Th, nhóm PV được cung cấp cho một bộ hồ sơ về việc nuôi hổ tại nhà ông này.

Trong vai người nghiên cứu về hổ, chúng tôi đã gặp trực tiếp ông Th hồi tháng 12/2019, ông này chia sẻ: "Con hổ y hệt con mèo, thích người nuôi chơi với nó, nhưng người lạ không cẩn thận nó vồ. Nuôi có được cái gì đâu...".

PV hỏi tiếp: "Nếu bây giờ một khu bảo tồn hỏi mua ông có bán hổ này không?". "Không thấy hỏi" - ông Th trả lời. PV tiếp tục hỏi: "Nếu họ hỏi, ông có bán không?". "Hỏi bán chứ" - ông Th nói.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã cấp chứng nhận lần 7 cho hộ ông Th đủ điều kiện nuôi động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB (hổ) - có giá trị đến ngày 28/3/2019 - với mục đích nuôi sinh sản, thương mại.

Tuy vậy, theo phân tích của bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV): "Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư, hổ là loài cấm đầu tư, kinh doanh nếu có nguồn gốc từ tự nhiên. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng hổ cho cơ sở này vì mục đích thương mại là không phù hợp với các quy định của pháp luật. ENV chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào trên cả nước được cấp phép nuôi hổ vì mục đích "thương mại" như trường hợp này".

Bà Hà cũng giải thích thêm: Điều kiện cấp phép nuôi tại thời điểm cấp là phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan khoa học CITES về khả năng nuôi sinh sản trong môi trường có kiểm soát, nhưng cơ quan khoa học chưa bao giờ xác nhận đối với hổ thì làm sao cấp phép được. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem