Dân Việt

Những sự cố khiến thí sinh “trượt đau”, mất cửa vào đại học dù điểm cao

A.T (t/h) 04/10/2021 13:25 GMT+7
Có điểm xét tuyển đại học khá cao vào các trường top đầu, song những thí sinh này đã “trượt đau” hoặc đứng trước nguy cơ không có cửa vào đại học.
Những sự cố khiến thí sinh “trượt đau”, mất cửa vào đại học dù điểm cao  - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: P.H

58 thí sinh 29,25 điểm trở lên trượt đại học vì kết quả học bạ thấp

Mùa tuyển sinh 2021, gây xôn xao nhất chính là trường hợp 58 thí sinh xét tuyển vào các trường công an không trúng tuyển.

Theo đó, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết có 58 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường CAND ở nguyện vọng 1, điểm các thí sinh đều từ 29,25 trở lên. Đáng tiếc, những thí sinh này không đỗ vào trường đã đăng ký.

Lý do là vì, 55 thí sinh nam trong số trên là chiến sĩ nghĩa vụ công an tại ngũ không đủ điều kiện để xét tuyển đại học do không bảo đảm tiêu chuẩn về học lực (có môn thuộc tổ hợp xét tuyển dưới 6,5 điểm, kết quả học 3 năm THPT chưa cao).

Còn lại 3 thí sinh nữ xét tuyển vào Học viện Chính trị CAND tổ hợp C00 không trúng tuyển vì năm 2021, Học viện Chính trị CAND được giao 4 chỉ tiêu nữ ở phía Bắc xét tuyển cho 4 tổ hợp (A01, C00, C03, D01), tương ứng với 1 tổ hợp chỉ được tuyển 1 chỉ tiêu nữ. Ở tổ hợp C00, số lượng thí sinh nữ đăng ký là 314 chỉ xét lấy 1 người trúng tuyển (tỉ lệ 1 chọi 314) nên điểm trúng tuyển rất cao.

67 thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội

Một thông tin cũng khiến dư luận chú ý là 67 thí đăng ký nguyện vọng vào Đại Bách khoa Hà Nội có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn nhưng không đạt điều kiện tham gia xét tuyển nhà trường đã đưa ra đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết từ năm 2019, đối với phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT, trường đặt ra quy định thí sinh trúng tuyển ngoài việc có điểm xét tuyển bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn, còn phải có điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển ở 6 học kỳ THPT từ 7 trở lên.

Ông Kiên cũng cho hay, trường đã gửi công văn đề nghị Bộ GDĐT điều chỉnh kết quả trúng tuyển của 67 thí sinh và đang chờ thông tin chính thức.

Đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội thể hiện rất rõ thông tin, điều kiện tuyển sinh qua các kênh khác nhau nhưng thí sinh vẫn không chú ý. Năm 2020, 50 thí sinh rơi vào trường hợp tương tự như trên.

Thí sinh mắc Covid-19 không trúng tuyển vì chứng chỉ quốc tế

Thí sinh tên L.H.T ở Bình Dương đã gửi đơn xin cứu xét vì em đủ điểm trúng tuyển vào trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhưng do mắc Covid-19 phải cách ly, không thể nộp chứng chỉ quốc tế theo thời gian quy định nên T bị trượt.

Theo T, năm nay em đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Y Dược TP.HCM phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Tuy nhiên, khi nhà trường yêu cầu nộp chứng chỉ để xét sơ tuyển, thí sinh này đã không nộp được do cả gia đình và bản thân bị mắc Covid-19, phải cách ly, địa phương T ở là "vùng đỏ".

Đại diện ĐH Y Dược TP.HCM lý giải, do thí sinh không nộp chứng chỉ đúng thời gian quy định nên nhà trường không thể xét tuyển được.

Trước đó, đầu tháng 8, ĐH Y Dược TP.HCM đã thông báo thí sinh xét tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo quy định của Bộ GDĐT và bổ sung hồ sơ (bản sao chứng thực chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) theo một trong hai hình thức như: Nộp qua đường bưu điện (chuyển phát nhanh, ưu tiên) và thí sinh phải gửi sớm và đảm bảo trường nhận được trước 17h ngày 25/8. Trường không giải quyết đối với hồ sơ đến sau 17h ngày 25/8. Thí sinh cũng có thể nộp trực tiếp tại trường từ 8h ngày 23/8 đến trước 17h ngày 25/8.

Thí sinh bị hủy kết quả trúng tuyển vì không thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT

Nữ sinh tên H.T.P (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trúng tuyển ngành Kinh tế quốc tế của trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhưng sau khi đã xác nhận nhập học và chuyển khoản học phí tạm thu thì bất ngờ bị nhà trường hủy kết quả trúng tuyển. Lý do là vì nữ sinh này không thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT theo thông báo tuyển sinh bổ sung.

P cho biết, ngày 30/8 khi nộp hồ sơ xét tuyển ngành Kinh tế quốc tế trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, em đã nộp các giấy tờ gồm bản scan giấy chứng minh nhân dân và học bạ. Tuy nhiên, nhà trường yêu cầu gửi ảnh chụp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT diện đặc cách, vì biết mình không thuộc đối tượng nên nữ sinh này đã dừng lại việc đăng ký.

Đại diện ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, khi kiểm tra hồ sơ nhập học của thí sinh P, nhà trường phát hiện thí sinh này đã dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, không phải thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp trong năm nay, nên không thuộc đối tượng được xét tuyển theo quy định. Do đó, Hội đồng tuyển sinh của trường đã thông báo hủy kết quả trúng tuyển của P.