Ký ức "cả nhà chỉ có một cái quần"
Theo cán bộ văn hóa xã Vạn Thạnh, hiện nay người Đàng Hạ không còn ngôn ngữ riêng. Các nhà dân tộc học, nhà văn hóa cũng khó tìm ra được nét văn hóa nào đặc trưng của người Đàng Hạ.
Thay vào đó, cho đến hiện nay, tộc người bí ẩn về nguồn gốc này đã sử dụng hoàn toàn tiếng nói của người Kinh và thậm chí họ kết hôn với người Kinh nên lai rất nhiều. Các hộ đều làm thủ tục nhập khẩu, giấy khai sinh và kết hôn cũng giống như người Kinh.
Theo người dân địa phương, nhất là trong ký ức của những người cao tuổi trong xóm biển Sơn Đừng, trước kia người Đàng Hạ không có khái niệm về bữa cơm gia đình, đói đâu ăn đó, có gì ăn nấy, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.
Khi tìm hiểu về nguồn gốc, lai lịch và cuộc sống của cư dân Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng, nhiều người rất ngạc nhiên khi nghe các bậc cao niên trong xóm kể về một ký ức nghe cứ như thời xa xôi lắm lắm. Đó là đã có một thời khốn khó, nhiều gia đình người Đàng Hạ có 3 - 4 nhân khẩu chỉ có một cái quần, người ở nhà phải nhường lại cho người đi ra ngoài.
Ông Trần Trò (gốc người Đàng Hạ) gắn bó hàng chục năm ở xóm Sơn Đừng này. Tuy là người Đàng Hạ nhưng trải qua quá nhiều đời đến nay ông không còn biết gốc tích của cộng đồng mình như thế nào.
Ngay cả đến tiếng nói của cha ông tổ tiên, ông cũng không còn nhớ nổi và bây giờ chỉ sử dụng tiếng Kinh để giao tiếp.
"Trước đây, người Đàng Hạ không có phong tục làm đám cưới, đám tang. Vào đúng đêm 30 Tết, trai gái người Đàng Hạ yêu nhau thì dắt về nhà ở chung. Rất may sau này được sự hướng dẫn của nhà nước nên việc làm đám ma, đám cưới của người Đàng Hạ thực hiện theo pháp luật. Và một điều may mắn nữa, từ chổ không ra biển, không biết đánh cá, nay dân Đàng Hạ đều biết đi biển...", ông Trò chia sẻ.
Clip: Ông Nguyễn Văn Nhượng, Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng phòng nghiệp vụ chuyên môn Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt về cộng đồng người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Trần Thị Mía-một người Đàng Hạ còn lưu giữ nhiều ký ức xưa tâm sự: "Từ lâu, nhiều thanh niên Đàng Hạ khi lớn lên cũng tìm cách rời làng đi các nơi để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống. Như tui đây, một lần lên trên Vạn Giã chơi, gặp ông nhà tui rồi lấy làm chồng, sinh 8 đứa con. Khi ông mất, tui không còn cách nào khác đành quay lại về xóm cũ Sơn Đừng với cộng đồng người Đàng Hạ. Dù đi xa, nhưng chỉ có những người già Đàng Hạ mới quay trở về nơi mình sinh ra".
Qua ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, xóm Sơn Đừng nằm ở một vùng cát thấp sát với biển và nơi đây có ngôi đình Sơn Đừng nên hàng năm cứ đến ngày lễ hội bà con đều tụ về đây cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hòa, con cái trong gia đình mạnh khỏe.
Xóm Sơn Đừng giờ đây đã có nhiều căn nhà khang trang mọc lên, các đìa nuôi thủy sản được đầu tư quy mô lớn, giếng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã được đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Vương – Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, trước đây địa phương đã hỗ trợ xây 7 căn nhà, hỗ trợ cây điều giống, bò giống và tôm giống cho người dân để phát triển kinh tế.
"Hiện nay, bà con đã có hệ thống điện thắp sáng, có điện thoại, xe gắng máy, hầu hết đã có nhà kiên cố và giao thông đi lại thuận lợi hơn so với trước...", ông Lê Hoàng Vương khẳng định.
Lãnh đạo UBND Vạn Thạnh cho hay, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho bà con vay vốn thông qua nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất.
Người Đàng Hạ chưa được công nhận là dân tộc thiểu số
Một câu hỏi lớn đối với nhiều người khi tìm hiểu về tộc người, cũng có thể gọi là cộng đồng người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh là liệu bà con ở đây có được công nhận là 1 dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam hay không?
Ông Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng phòng nghiệp vụ chuyên môn Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong đó, chủ yếu đông nhất dân tộc Raglai, Ê đê, Tày, Thái,…
Toàn bộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ bảo hiểm y tế, học sinh đi học tại các trường, an sinh xã hội,…
Ông Nhượng cho biết thêm, đến bây giờ người Đàng Hạ chưa biết rõ về nguồn gốc của mình, trong danh mục các dân tộc Việt Nam thì người Đàng Hạ vẫn chưa được công nhận là một dân tộc thiểu số.
Theo ông Nhượng, trước đây, người Đàng Hạ cũng được các cấp quan tâm hỗ trợ theo Quyết định 102/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ dành vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.Thông qua đó, bà con Đàng Hạ xóm Sơn Đừng được hỗ trợ tiền mặt, gạo, muối, hỗ trợ làm nhà ở, nước sinh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, bà con cộng đồng người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt nên đời sống đã thay đổi đáng kể.