Trong suốt nhiều năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô số đồ tạo tác và di vật Hy Lạp cổ đại, cung cấp cho các nhà nghiên cứu góc nhìn cụ thể về một thế giới đã vĩnh viễn biến mất. Hy lạp cổ đại đã cho chúng ta biết nhiều điều, chẳng hạn như các hành tinh quay quanh Mặt trời, kích thước của Mặt trăng, chu vi Trái đất,… Tuy nhiên chính chiếc 'máy tính thiên văn' đầu tiên lại là phát hiện khiến các nhà khảo cổ học bối rối nhất.
Được biết đến với tên gọi 'cỗ máy Antikythera', đây là một thiết bị chạy bằng tay từ thời Hy Lạp cổ đại (2.000 năm trước). Đây là một mô hình cơ học về Hệ Mặt trời và được mô tả là có kết cấu tương tự một chiếc máy tính. Người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng thiết bị này để dự đoán vị trí các vì sao và nguyệt thực trước nhiều thập kỷ, đồng thời dùng nó để theo dõi chu kỳ của Thế vận hội Olympic cổ đại.
Nhà khảo cổ học Valerios Stais đã tìm thấy chiếc máy này nằm trong một đống đổ nát được vớt từ con tàu đắm ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp vào năm 1901.
Mới đây, Giáo sư Tony Freeth của Đại học College London (UCL), người thực hiện nghiên cứu cỗ máy này, đã tiết lộ những bí mật phức tạp của nó. Ông nói: "Khi mới được phát hiện, cỗ máy này cũng chỉ như một khối kim loại bị ăn mòn với kích thước tương tự một quyển từ điển mà thôi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng tôi đã tìm thấy những chiếc bánh răng nằm bên trong với độ dài khoảng 1mm. Điều này thực sự là một cú sốc!"
Antikythera là một cỗ máy tính toán chuyên dụng, sử dụng những bánh răng bằng đồng để tính toán các chu kỳ của vũ trụ. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học đau đầu là tại sao người Hy Lạp cổ đại lại chế tạo ra thiết bị này.
Giáo sư Freeth tin rằng cỗ máy được chế tạo để tính toán các lý thuyết chiêm tinh của người Hy Lạp. Ông lưu ý: "Vào những ngày đó, việc các lý thuyết khoa học có thể được mô hình cơ giới hóa là điều cực kỳ đáng kinh ngạc".
Hiện tại, Antikythera được lưu trữ trong một viện bảo tàng ở Athens, cỗ máy bị chia thành 82 mảnh, phần còn lại đã bị thất lạc. Giáo sư Freeth và nhóm của mình đang tìm cách phục hồi lại cỗ máy với hy vọng tìm hiểu thêm về những "bí mật" của thế giới cổ đại.